Theo chuyên gia, tăng lương tối thiểu phải gắn liền với tăng năng suất lao động để tạo nên sức mạnh cạnh tranh cho nền kinh tế.
Trong suốt thập kỷ qua, tiền lương tối thiểu tại Việt Nam đã liên tục tăng, dẫn tới việc tăng chi cho lương từ phía doanh nghiệp. Tuy năng suất lao động tăng trung bình khoảng 4,4% trong giai đoạn 2004-2015, lương trung bình của người lao động có xu hướng tăng nhanh hơn, khoảng 5,8% hàng năm theo báo cáo của ILO. Việc lương tối thiểu tăng gấp đôi trong thời kỳ này đã làm dấy lên các lo ngại về ảnh hưởng của nó tới việc làm và đầu tư của doanh nghiệp nói riêng và của cả nền kinh tế nói chung.
Theo ông Fujita Yasuo – Trưởng đại diện văn phòng JICA tại Việt Nam, mức lương tối thiểu tăng nhanh ở Việt Nam được coi là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế, ảnh hưởng sâu tới các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu. Tăng lương tối thiểu khiến chi phí của doanh nghiệp tăng lên một khoản đáng kể, nhiều doanh nghiệp quan ngại vì đứng trước nguy cơ mất khả năng cạnh tranh.
“Để giải quyết việc này, điều cốt lõi cần chú ý là tăng lương phải gắn liền với tăng năng suất lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam cũng nên có cơ chế điều chỉnh tiền lương tối thiểu một cách hợp lý để đảm bảo tính hiệu quả của chính sách tiền lương mà Việt Nam đang thực hiện”. Tăng lương tối thiểu của Việt Nam hiện nay tiêu cực nhiều hơn là tích cực, về góc độ kích thích đầu tư khi tăng lương 1% sẽ khiến tỷ lệ lợi nhuận/doanh thu của doanh nghiệp giảm đi 2,3%”, vị này cho hay.
Về mối quan hệ giữa lương trung bình và năng suất lao động tại Việt Nam, TS Nguyễn Đức Thành cho biết trong giai đoạn 2004-2015, năng suất lao động của Việt Nam tăng đáng kể với mức tăng trung bình đạt 4,4%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân của lương (5,8%) vượt tốc độ tăng năng suất lao động. Theo tính toán từ bộ số liệu Điều tra doanh nghiệp, trong giai đoạn 2004-2009, lương trung bình tăng chậm hơn năng suất lao động. Tuy nhiên từ năm 2009, tốc độ tăng lương trung bình vượt tốc độ tăng năng suất lao động.
Việc tăng lương tối thiểu vùng nhằm đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động, tuy nhiên, theo TS Nguyễn Tiến Dũng, Viện nghiên cứu Kinh tế và Phát triển chính sách (VEPR) hiện vẫn có khoảng 50% lao động Việt Nam không được ký kết hợp đồng. Số lao động này chủ yếu làm việc tại các hộ kinh doanh gia đình, lao động tự do, lao động làm việc tại các khu vực kinh tế nhỏ và vừa, đương nhiên không thuộc phạm vi áp dụng của mức lương tối thiểu vùng, như vậy việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu hiện nay không đảm bảo phân phối công bằng giữa lao động của các khu vực kinh tế.
Theo chuyên gia, việc tăng lương tối thiểu phải gắn liền với tăng năng suất lao động để tránh thiệt hại cho nền kinh tế. Ảnh: Lao động
Liên quan tới vấn đề trên, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da – Giầy – Túi xách Việt Nam, tiền lương là chi phí trả cho người lao động (NLĐ) để tái tạo sức lao động, khi lương tăng sẽ là động lực để NLĐ làm việc hăng hái hơn, tích cực hơn. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay, mức tiền lương tối thiểu luôn được điều chỉnh tăng định kỳ hàng năm, song năng suất, chất lượng lao động của Việt Nam lại chưa ghi nhận những mức tăng tương ứng.
Ở Việt Nam, tiền lương tối thiểu trung bình tăng khoảng 20% mỗi năm trong giai đoạn 2005 – 2015. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng tiền lương tối thiểu lại cao hơn tốc độ tăng NSLĐ ít nhất 3 lần.
Theo đánh giá của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), NSLĐ của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương. Cụ thể, thấp hơn Singapore gần 15 lần, Nhật Bản 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả khi so sánh với các nước láng giềng trong khu vực Đông Nam Á có mức thu nhập trung bình thì NSLĐ của Việt Nam cũng chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan..
Khi lương tối thiểu tăng quá nhanh so với tăng NSLĐ có thể phát sinh nhiều tác động tiêu cực đến cả DN và NLĐ. Bởi lẽ, đối với DN, khi các chi phí đầu vào tăng (như chi phí về nguyên liệu, chi phí về vốn, chi phí trả cho NLĐ …) nhưng hiệu quả, năng suất làm việc không cao dẫn đến DN phải bù lỗ, gây sức ép lớn cho DN, thậm chí có những DN phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động… kéo theo một bộ phận NLĐ sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, mất việc làm.
Đơn cử như trong ngành Da giầy, 7 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành mới đạt được 5%, trong khi mục tiêu đặt ra là 10%. Như vậy, nhiều đơn hàng giảm, ảnh hưởng đến doanh thu của DN, nhiều DN đã phải cắt giảm sản xuất, sản xuất cầm chừng…