Sức ép tăng năng lực cạnh tranh đã được nhìn nhận nghiêm túc khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và hiệp định thương mại tư do được ký kết và sắp có hiệu lực. Tuy nhiên, điểm yếu lớn nhất của ngành cơ khí chế tạo vẫn là Việt Nam chưa thực hiện được nguyên tắc cơ bản đó là sản xuất chuyên môn hóa sâu và hợp tác rộng, nguyên nhân do sự chia tách giữa cơ khí quốc doanh, dân doanh, cơ khí Trung ương, địa phương, cơ khí ngành và cơ khí đầu tư nước ngoài FDI, ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp và cơ khí Việt Nam cho hay.
Từ thực tiễn doanh nghiệp, hiện đại hóa đầu tư dây chuyền thiết bị, có trình độ công nghệ kỹ thuật hiện đại, tỉ lệ tự động hóa cao mới có thể sản xuất ra những sản phẩm chất lượng cao, ổn định và không tác động xấu đến môi trường. Ngoài ra, lựa chọn giải pháp công nghệ trong thiết kế chế tạo sản phẩm công nghệ cũng là thách thức lớn với doanh nghiệp, ông Trần Ngọc Hà, Tổng giám đốc Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam cho biết.
Với kinh nghiệp nhiều năm hợp tác với những tập đoàn hàng đầu thế giới như Honda Việt Nam, LG, Samsung, Panasonic, Yamaha, Công ty cơ khí chính xác Việt Nam 1, Bà Đàm Thị Hồng Lan, giám đốc Công ty tư vấn và kinh doanh Vietbay cho rằng để cạnh tranh thành công, doanh nghiệp phải đặc biệt quan tâm đến khâu thiết kế, phân tích và gia công sản phẩm. Do đại đa phần doanh nghiệp cơ khí còn yếu về trình độ và năng lực của đội ngũ kỹ sư thiết kế, mẫu mã sản phẩm chậm thay đổi, công nghệ ứng dụng chưa đồng bộ, chưa tận dụng được triệt để khả năng mà công nghệ mang lại.
Tuy nhiên, không chỉ có công nghệ, nhà máy và máy móc hiện đại là có thể tạo ra sản phẩm “Made in Vietnam” và xuất khẩu ra nước ngoài, đây là trăn trở của Giám đốc Công ty Nhật Minh, doanh nghiệp chuyên sản xuất, thiết kế gia công khuôn nhựa chính xác cung cấp cho các công ty Nhật Bản tại Việt Nam. Con người đóng vai trò then chốt trong tạo ra sản phẩm chất lượng, và là gốc rễ của năng suất chất lượng sản xuất.
Như vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ cần cả chính sách đúng đắn của nhà nước và tự vươn lên của doanh nghiệp, yếu tố con người phải được ưu tiên, sau đó đầu tư cho hệ thống và quan điểm của doanh nghiệp. Hi vọng trong thời gian tới, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ có những chuyển mình tích cực.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)