Việc chuyển dần từ phương thức vận tải đường bộ sang các hình thức vận tải đường thủy, đường sắt chính là giải pháp tối ưu giúp giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Hiện trạng:
Với việc gánh chịu chi phí xăng dầu, phí cầu đường lớn, do đó, chi phí cho việc vận tải hàng hóa bằng đường bộ đang lớn hơn nhiều so với việc vận chuyển bằng đường sắt hoặc đường thủy. Cụ thể, một container loại 20 feet từ Hải Phòng đến TP.HCM mất khoảng 30 – 35 triệu đồng; Container 40 feet khoảng 37 triệu đồng, trong khi đường biển chỉ mất trên 5 triệu đồng/container 20 feet và gần 7 triệu đồng/ container loại 40 feet.
Tuy vậy ở nước ta hiện nay, quá trình vận tải bằng đường bộ đang chiếm tới hơn 77% lượng hàng hóa vận chuyển của cả nước. Sự lựa chọn trái ngược này đến từ nguyên nhân chủ yếu là chỉ vận tải đường bộ mới có thể đáp ứng các yêu cầu nhanh và linh hoạt của các doanh nghiệp, việc vận tải bằng đường sắt và đường thủy vẫn còn nhiều những bất cập và hạn chế.
Là một nước với bờ biển dài, mạng lưới sông ngòi lớn (đặc biệt ở khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh miền Tây), nước ta có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển vận tải hàng hóa bằng đường thủy. Tuy nhiên, những bất cập sau đây đã làm đình trệ quá trình phát triển của giao thông đường thủy:
- Các phương tiện vận tải đường thủy chưa được chú trọng đầu tư, đặc biệt là các xà lan vận tải trên các hệ thống sông lớn có các cảng nội địa.
- Các cảng nội địa chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt dẫn đến sự ùn ứ hàng hóa, làm chậm quá trình vận chuyển.
- Vị trí địa lý đặt cảng nội địa không thuận lợi cho quá trình vận tải tiếp tục tới các khu kinh tế.
Với đường sắt:
- Mặc dù đã có hệ thống đường sắt Bắc-Nam, Hải Phòng-Lào Cai, tuy vậy đây đã là các tuyến đường sắt cũ hoạt động trên khổ ray bé dẫn tới tốc độ vận tải hàng hóa không được cao.
- Chưa có quy hoạch cụ thể để kết nối hệ thống đường sắt với các cảng biển, cảng sông, cảng cạn.
Có thể nói rằng, trong khi thời gian qua nguồn vốn dành cho lĩnh vực giao thông vận tải lại tập trung cho đường bộ, còn đường sắt, đường thủy thì thiếu sự đầu tư. Trong giai đoạn 2011 – 2015, đường bộ nhận tới hơn 299.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng, trong khi đường sắt chỉ được đầu tư có 9.203 tỷ đồng, vận tải thuỷ chỉ nhận được 7.398 tỷ đồng.
Một số đề xuất:
- Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa theo hướng giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa. Để thực hiện được mục tiêu này, việc đẩy mạnh kết nối giữa các phương thức vận tải cần phải được đặc biệt chú ý.Tìm kiếm các “điểm nghẽn” liên quan đến kết nối giữa các phương thức vận tải để xử lý dứt điểm.
- Kết nối quy hoạch các hệ thống liên quan như: quy hoạch cảng cạn, các cảng thông quan nội địa, quy hoạch giao thông vận tải theo từng vùng từng địa phương. Có các phương án kết nối linh hoạt giữa các vùng có lượng vận tải hàng hóa lớn.
- Đẩy mạnh xây dựng và phát triển cảng cạn ở các vị trí có khả năng kết nối thuận lợi với vận tải thủy nội địa. Tùy từng khu vực và địa phương mà quy hoạch các cảng này kết nối với hệ thống vận tải đường sắt. Ngoài ra các cảng này vẫn phải đảm bảo hết nối dễ dàng với các hệ thống cửa khẩu, khu công nghiệp.
- Các địa phương có cảng cần nghiên cứu tận dụng tối đa ưu điểm, tính hợp lý trong quy hoạch của các cảng hiện có và chuyển đổi công năng phù hợp theo hướng sát nhu cầu của thị trường nhằm hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp.
- Lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai thực hiện theo mô hình nhà nước – tư nhân để hiện thực hóa quy hoạch.
Văn phòng NSCL tổng hợp