LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 7) – LÃNG PHÍ VẬN CHUYỂN

LÃNG PHÍ 3 – LÃNG PHÍ VẬN CHUYỂN Điều tự nhiên là càng tồn trữ dẫn tới càng phải vận chuyển.

Vận chuyển là gì? Sự vận chuyển muốn nói đến việc chuyên chở hoặc di dời nguyên liệu, phụ tùng, các bộ phận lắp ráp, hay thành phẩm từ một nơi này đến nơi khác vì bất cứ lý do gì. Việc xếp dỡ nguyên vật liệu cũng là một phần của công việc vận chuyển. Xem hình bên dưới giải thích cho sự khác nhau giữa sự vận chuyển qua một khoảng cách và xếp dỡ nguyên liệu trong quá trình sản xuất.

Sự đa dạng và phong phú của vận chuyển: Vận chuyển xảy ra không chỉ trong sản xuất mà còn “có mặt” trong dịch vụ. Chúng ta phải vận chuyển đến nỗi nó là “hiển nhiên”, “điều tất nhiên” phải có. Tuy nhiên, vận chuyển hoàn toàn không đem lại giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ. Thậm chí, vận chuyển còn gây ra nhiều phiền toái: hư hỏng hoặc mất mát sản phẩm, kéo dài thời gian cung cấp sản phẩm dịch vụ, gây thêm khuyết tật, tốn nhiều nguồn lực (đường vận chuyển, xe, pallet, con người …),…

Ví dụ dễ thấy mất thời gian nhất là dịch vụ sao y bản chính của các cơ quan hành chánh công. Vì các trung tâm làm việc xa nhau (trung tâm tiếp nhận – trung tâm phê duyệt – trung tâm trả hồ sơ), cho nên nhân viên phải để đầy hồ sơ 10 bộ – 20 bộ (tồn trữ) mới đi (vận chuyển) phê duyệt 1 lần … Kết quả người dân phải chờ thời gian gần 1 giờ (thậm chí hơn) mới có thể nhận hồ sơ chứng thực. Thời gian công chứng được rút ngắn thì chất lượng dịch vụ sẽ cao, người dân sẽhài lòng hơn! Rút ngắn thời gian dịch vụ này còn 15 – 20 phút thật đơn giản. Chỉ cần bố trí các trung tâm làm việc gần nhau là rút ngắn ngay thời gian cung cấp dịch vụ. “Có phương pháp, người bình thường cũng có thể làm việc phi thường, không có phương pháp thì thiên tài cũng có thể lạc lối” (René Descartes, 1637).

Chúng ta không thể loại bỏ hoàn việc vận chuyển sản phẩm trong chính quá trình sản xuất, vận hành, nhưng chúng ta có thể làm ngắn đi khoảng cách và giảm đi thời gian, nguồn lực cho vận chuyển, giảm hoặc loại bỏ đi những điểm tồn trữ sản phẩm, tồn trữ dịch vụ.

Dưới đây là mô hình của nhà máy, giải thích việc cầm giữ nguyên liệu trong các công đoạn của quá trình sản xuất. Hình tam giác là tồn trữ, mũi tên là vận chuyển. Tồn trữ và vận chuyển là “triệu chứng của các nhà máy”. Sản phẩm dù có vận chuyển trong nhà máy bao nhiêu đi nữa thì sản phẩm không hề gia tăng giá trị!

ton tru-van chuyen

Mô hình vận chuyển thực tế – vận chuyển không thể loại bỏ nhưng có thể rút ngắn hiện trạng 163 mét, bố trí lại còn 43 mét, kỳ vọng dưới 30 mét

Tại sao sự vận chuyển trở nên “cần thiết” cho hoạt động quản lý sản xuất và vận hành như vậy? Vì nhiều lý do nhưng lý do cơ bản nhất là:

• Cho rằng vận chuyển là điều bắt buộc phải có, phát sinh vận chuyển là điều bình thường • Các máy hoặc các trung tâm công việc cách xa nhau • Xếp dỡ nguyên liệu, nhặt lên, đặt xuống, chất đống là điều phải chịu. • Di chuyển xung quanh bán thành phẩm, xung quanh nhà xưởng vì lý do nào đó. • Bố trí sắp đặt máy kém: Bố trí máy theo mô hình Process Focus … • Sản xuất lô hàng lớn. • Công nhân chỉ có độc một kỹ năng nghề nghiệp, ngồi một chỗ trong thao tác vận hành • Nhu cầu giả tạo về các hệ thống vận chuyển.

Làm thế nào để lọai bỏ sự lãng phí trong vận chuyển Về cơ bản, sự lãng phí họat động vận chuyển thì phải được hiệu chỉnh lại bằng cách thiết kế, bố trí lại thiết bị để tạo nên sự trôi chảy đều đặn giữa các hoạt động. Sau đó bạn có thể sẽ loại bỏ nhiều sự phức tạp trong hệ thống vận chuyển và giảm đến mức tối thiểu việc lưu giữ nguyên liệu. Các phương pháp sản xuất theo Lean Production giải quyết vấn đề lãng phí trong vận chuyển như sau:

• Thay đổi quan niệm: vận chuyển là lãng phí! • Bố trí các trung tâm công việc hoặc công đoạn sản xuất “cụm nhỏ” theo dạng chữ U • Sản xuất liên tục hạn chế tồn trữ dẫn đến vận chuyển • Công nhân đa kỹ năng • Tư thế hợp lý để thao tác sản xuất

Nguồn: http://hanhgia.com/

LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN I) – CHƯƠNG TRÌNH TƯ VẤN WASTE/ MAC LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 2) – CÂU CHUYỆN VỀ CÁCH CHIÊN CON GÀ TÂY LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 3) – LỜI KHUYÊN CHO DOANH NGHIỆP VỀ LOẠI BỎ LÃNG PHÍ LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 4) – SẢN XUẤT DƯ THỪA LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 5) – LÃNG PHÍ TỒN KHO LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 6) – LÃNG PHÍ TỒN KHO (tiếp theo) LOẠI BỎ LÃNG PHÍ (PHẦN 8) – KHUYẾT TẬT
Tin mới