LEAN – Giải pháp quản lý tinh gọn

Giải pháp quản lý tinh gọn (LEAN) là một trong những phương pháp quản trị hiện đại nhằm giảm thiểu lãng phí, cải thiện năng suất, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp thành công khi áp dụng LEAN

Công ty Cổ phần may Nam Hà là doanh nghiệp rất tích cực trong việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng. Năm 2010, với sự tư vấn của các chuyên gia của Tổ chức Năng suất châu Á và Viện Năng suất Chất lượng Việt Nam, công ty đã chọn áp dụng hệ thống quản lý tinh gọn LEAN nhằm thực hiện mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng. Chỉ sau 6 tháng triển khai, năng suất lao động của Công ty đã tăng 110 USD/người/tháng, tăng 128% so với trước đó.

Công ty TNHH Thắng Lợi (Vico) – doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo sau 5 năm áp dụng hệ thống quản lý LEAN, năng suất lao động tăng từ 20-25%. Những vấn đề tồn đọng trong thời gian dài trước đó như thất thoát nguyên liệu, lãng phí thời gian di chuyển trong xưởng sản xuất hay tai nạn lao động do sắp xếp nhà xưởng không khoa học đều được loại bỏ. Môi trường lao động an toàn, hiệu quả của doanh nghiệp đã kích thích cán bộ công nhân viên tích cực tư duy, tiếp tục nghiên cứu cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm. Nhiều ý tưởng trong số đó đã được triển khai thực hiện có hiệu quả.

Hệ thống sản xuất tinh gọn LEAN

Lean Manufacturing (LEAN) đang được áp dụng ngày càng rộng rãi tại các công ty sản xuất hàng đầu trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Hiểu một cách đơn giản, LEAN là hệ thống các nguyên lý và công cụ định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động. Bằng việc áp dụng các nguyên lý, công cụ này vào sản xuất, doanh nghiệp có thể nhìn thấy và loại bỏ các hoạt động thừa, không tạo thêm giá trị cho khách hàng nhưng lại làm tăng chi phí trong chuỗi các hoạt động sản xuất.

Tư duy nguyên lý của LEAN có thể áp dụng rộng rãi cho doanh nghiệp có quy mô và lĩnh vực hoạt động khác nhau, từ các ngành dịch vụ, thiết kế, quản lý chất lượng, đến công nghệ thông tin, quản trị nhân sự… Tuy nhiên, LEAN sẽ phát huy hiệu quả cao nhất đối với các loại hình sản xuất thủ công, sử dụng nhiều lao động, có nhiều nguyên công trong quá trình sản xuất và cung cấp dịch vụ.

LEAN mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Áp dụng LEAN trong sản xuất mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Chi phí sản xuất được tối ưu hóa nhờ cắt giảm những loại phí không cần thiết như phí tồn kho, vận chuyển, chờ đợi,… Từ đó giảm giá thành, nâng cao giá trị sản phẩm đầu ra và nâng cao biên lợi nhuận.

Việc sắp xếp các quy trình lưu chuyển hiệu quả cũng giúp doanh nghiệp loại bỏ các trường hợp ùn tắc, những thao tác không cần thiết trong dây chuyền và gia tăng tối đa hiệu suất sản xuất, nâng cao năng suất lao động.

Bên cạnh đó, giải pháp quản lý tinh gọn LEAN cũng giảm phế phẩm và sự lãng phí hữu hình không cần thiết, nâng cao tính linh động trong sản xuất. Thông qua hướng việc sản xuất dựa theo nhu cầu, doanh nghiệp sẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của khách hàng.

Theo bà Nguyễn Thị Lê Hoa – Trưởng phòng Nghiên cứu năng suất – Viện Năng suất Việt Nam cho biết: “Công cụ LEAN là một hệ thống sản xuất tinh gọn, trong đó sẽ giúp cho cán bộ nhân viên và cán bộ quản lý trong công ty hiểu rõ về các loại lãng phí và tìm mọi giải pháp để loại bỏ các loại lãng phí đó, dẫn tới hệ thống sản xuất tinh gọn hơn, hiệu quả hơn, năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. LEAN khi áp dụng cho các ngành nghề khác nhau thì các công cụ cụ thể trong LEAN lại được ứng dụng một cách linh hoạt và đem đến những hiệu quả khác nhau.”

Nguyên lý chính của LEAN là gia tăng giá trị cho khách hàng thông qua việc liên tục loại bỏ lãng phí trong suốt quá trình cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Doanh nghiệp muốn áp dụng LEAN trước tiên phải hiểu rõ mong muốn thật sự của khách hàng, những giá trị của sản phẩm và dịch vụ mà khách hàng sẵn sàng chi tiền, từ đó cắt giảm hoặc loại bỏ các hoạt động gây ra lãng phí cho doanh nghiệp.

Ngày 21/05/2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg về Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Chương trình nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng; các ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ. Từ đó tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực cũng như khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: Vụ Khoa học & Công Nghệ

Tin mới