Lao động khu vực FDI: Cải thiện năng suất lao động

Tính đến tháng 5/2018, cả nước có hơn 25.691 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 323 tỷ USD. Không chỉ tạo việc làm, thu nhập khu vực FDI đã góp phần cải thiện chất lượng, năng suất lao động của Việt Nam.

Hiện 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có dự án đầu tư FDI, với khoảng 14.600 doanh nghiệp (DN) sử dụng hơn 3,6 triệu lao động. Ông Vũ Đại Thắng – Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – nhận định, lao động trong các DN FDI tuy chiếm tỷ trọng thấp, nhưng hiệu quả sản xuất, kinh doanh khá cao. Tốc độ tăng việc làm của khu vực FDI luôn cao, nhất là sau khi gia nhập WTO. Sự có mặt của khu vực FDI còn góp phần làm chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông thôn ra thành thị. Cùng với đó, DN FDI cũng hình thành đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao.

Không chỉ vậy, sự có mặt của DN FDI đã giúp năng suất lao động của Việt Nam dần được cải thiện và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, bình quân giai đoạn 2014-2016 đạt 5,5%/năm. Tiến sỹ Lê Văn Hùng – Viện Kinh tế Việt Nam – phân tích, vốn FDI giúp dịch chuyển cơ cấu lao động trong nước từ nhóm ngành có năng suất lao động thấp sang nhóm ngành cao hơn. Đồng thời, tạo hiệu ứng tràn về công nghệ và kỹ năng đối với khu vực nội địa thông qua liên kết sản xuất. Mặt khác, còn giúp gia tăng áp lực cạnh tranh, buộc các DN nội địa cải tiến công nghệ để bắt kịp xu thế, gián tiếp cải thiện năng suất lao động chung.

Tuy nhiên, khu vực FDI cũng bộc lộ những bất cập. Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, gia công, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị tạo ra tại Việt Nam không cao; đóng góp ngân sách nhà nước chưa tương xứng, một số DN có hiện tượng chuyển giá, trốn thuế hoặc vi phạm các quy định về xử lý môi trường… Báo động hơn, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tình hình sa thải người lao động trên 35 tuổi diễn ra khá nhiều ở các DN FDI. Nguyên nhân là do một số ngành nghề không phù hợp với lao động sau tuổi 35…

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, ông Vũ Đại Thắng đề nghị, cần rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng tình hình lao động của khu vực DN FDI thời gian qua về kết quả đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân, để từ đó đề ra những giải pháp phù hợp, có tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của lao động trong khu vực này.

Theo ông Lê Văn Hùng, cần xác định rõ định hướng chiến lược và ưu tiên ngành nghề phát triển trong giai đoạn tới. Việc đào tạo của các trường đại học, trường nghề cần được nâng lên theo chuẩn chất lượng, gắn lý thuyết với thực hành. Còn để bảo vệ nhóm lao động yếu thế, ông Ngọ Duy Hiểu – Trưởng ban quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) – kiến nghị, Nhà nước cần nghiên cứu, ban hành các quy định của pháp luật, nhằm thắt chặt, hạn chế tình trạng DN sa thải người lao động trên 35 tuổi; tổ chức tốt hệ thống thông tin thị trường lao động để giới thiệu và chắp nối việc làm ở thị trường trong nước với thị trường lao động ngoài nước. “Chúng ta phải thiết kế chính sách tổng thể đối với người lao động bị mất việc làm. Đặc biệt, phải phát triển chính sách hỗ trợ lao động để ứng phó với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quá trình thay đổi cơ cấu sản xuất, đổi mới công nghệ của DN” – ông Hiếu khuyến nghị.

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới