Trong một quy trình sản xuất, việc xuất hiện các lỗi kĩ thuật, sai sót dẫn đến sản phẩm khuyết tật là điều không tránh khỏi. Ngoại trừ những sai sót của con người, có rất nhiều nguyên nhân khác có thể dẫn đến sai lỗi như: Các thủ tục hoặc tiêu chuẩn không đồng bộ; Máy móc không được bảo trì thường xuyên; Vật liệu không phù hợp; Dụng cụ bị mài mòn… Tuy nhiên, những sai lỗi do nguyên nhân chủ quan từ con người thường khó đoán hơn rất nhiều.
Mục tiêu của kỹ thuật ZQC là tuyệt đối không sai lỗi! Do đó tổ chức của bạn cần đặt ra các điều kiện bắt buộc để kiểm soát chất lượng trên mọi công đoạn trong quy trình, đặc biệt là tại những công đoạn có thao tác có sự tham gia của con người.
Shingeo Shingo đã phân loại những sai sót do con người như sau:
- Hay quên : Chúng ta quên nhiều chi tiết khi chúng ta không tập trung, ví dụ như chốt cửa bằng chìa khóa bên trong hoặc người quản lý nhà ga quên hạ cổng qua đường
- Hiểu nhầm : Sai lầm xảy ra khi chúng ta đưa ra kết luận sai, ví dụ như một người không quen sử dụng ô tô hộp số có thể tự động đạp phanh vì nghĩ rằng đó là ly hợp.
- Nhận dạng sai : Chúng ta dễ sai lần nếu chỉ nhìn lướt qua hoặc nhìn từ khoảng cách xa, ví dụ ₹ 500000 thay vì ₹ 50000.
- Trình độ cá nhân : Công nhân mới không biết vận hành hoặc chỉ quen thuộc với một quy trình nhất định
- Cố ý bỏ qua quy trình : Khi chúng ta quyết định rằng chúng ta có thể bỏ qua các quy tắc trong một số điều kiện nhất định, ví dụ như băng qua đường khi đèn đỏ vì không có xe nào trong tầm nhìn
- Vô tình bỏ qua thủ tục : Chúng ta lơ đễnh & phạm sai lầm mà không biết nó xảy ra như thế nào, ví dụ ai đó đang chìm trong suy nghĩ cố gắng băng qua đường mà không hề để ý đến đèn đỏ
- Chậm chạp : Sai lầm xảy ra khi hành động của chúng ta bị chậm lại bởi sự chậm trễ trong phán đoán, ví dụ như một người học lái xe đạp phanh chậm
- Không có khung tiêu chuẩn : Khi không có hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn công việc phù hợp, ví dụ: phép đo có thể để cho cá nhân công nhân quyết định
- Lỗi bất ngờ : Khi máy hoạt động khác với dự kiến, ví dụ: máy có thể bị trục trặc mà không có cảnh báo
- Lỗi cố ý: Sai lầm cố ý dẫn đến phá hoại
Có thể thấy, định nghĩa về sai lỗi của Shigeo Shingo dường như bao hàm rộng hơn so với tiêu chí thông thường. Ông cũng nhấn mạnh rằng những lỗi cố ý có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn rất nhiều so với vô ý, bởi chúng thường lặp lại nhiều lần cho đến khi bị phát hiện. Shingo đã định nghĩa như sau:
- Sai lỗi: Việc thực hiện một hành động bị cấm, không thực hiện chính xác một hành động được yêu cầu hoặc hiểu sai thông tin cần thiết để thực hiện đúng một hành động
- Chống sai lỗi : Việc sử dụng các tính năng của quy trình theo đúng nguyên tắc để ngăn chặn việc tạo ra sản phẩm không phù hợp. Shingo phân biệt giữa sai lỗi và khuyết tật bằng mối quan hệ nguyên nhân và kết quả.
Trong phần sau, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về cách mà các sai lỗi được giải quyết thông qua kỹ thuật ZQC.
Văn phòng NSCL