Làm thế nào để biết việc thực hành Lean có giúp doanh nghiệp của bạn hay không

Sau 28 năm thực hiện quản lý Lean, tôi đã được nghe gần như tất cả những lý do tại sao Lean không phát huy được hiệu quả tại một doanh nghiệp nào đó. Những câu thanh minh đại loại như “Chúng tôi là doanh nghiệp thuộc kiểu sản lượng ít, chủng loại mặt hàng đa dạng”, “Chúng tôi là doanh nghiệp thuộc kiểu chuyên sản xuất một số mặt hàng với sản lượng lớn”, “Chúng tôi chỉ là một cửa hàng tự chọn”, “Chúng tôi không sản xuất”, “Chúng tôi không chế tạo xe hơi” và lý do hay nhất là “Chúng tôi khác người ta”.

Đúng là mỗi doanh nghiệp là khác nhau, và phương pháp tiếp cận Lean cần được tùy chỉnh để phù hợp với mỗi công ty. Trong bề dày kinh nghiệm từ bao nhiêu năm qua, tôi chưa bao giờ gặp phải tình huống mà Lean không cải thiện đáng kể sự an toàn, chất lượng, quá trình giao hàng, tiến độ, chi phí, sự hài lòng của khách hàng, tinh thần nhân viên và giá trị cổ đông trong một doanh nghiệp.

Nguồn gốc của Lean vốn là xuất phát từ Công ty Toyota nhiều thập kỷ trước. Toyota đã lấy cảm hứng từ các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực công nghiệp, có thể kể đến một vài cái tên như Henry Ford, Fredrick Taylor, Shigeo Shingo, W. Edwards Deming và Joseph Juran. Quan trọng là, bởi vì mỗi công ty là khác nhau, bạn không thể cứ nhắm mắt mà áp dụng những gì bạn thấy hiệu quả đối với Toyota hoặc công ty khác vào công ty của bạn. Chúng tôi có một câu nói: Chúng tôi không muốn bạn biến thành bản sao của Toyota, chúng tôi chỉ muốn bạn trở thành “mang đặc tính giống Toyota”.

Định nghĩa yêu thích về Lean của chúng tôi là:

  1. Một tư duy, một hướng suy nghĩ với mục tiêu cam đoan thực hiện được một quá trình hoạt động hoàn toàn không có lãng phí, tập trung vào khía cạnh khách hàng.
  2. Lean có thể đạt được bằng cách đơn giản hóa và liên tục cải tiến tất cả các quy trình, các mối quan hệ trong một môi trường mà tất cả cán bộ nhân viên đều tham gia, tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.
  3. Theo như cảm nhận của khách hàng, Lean cần tập trung vào những khía cạnh con người, sự đơn giản hóa, quy trình hoạt động, tầm nhìn, quan hệ đối tác và giá trị đích thực.

Tôi có thể thách thức bất kỳ ai tìm ra được một doanh nghiệp nào mà định nghĩa này không áp dụng được.

Sau đây là một số lợi ích có thể đạt được bằng việc thực hiện Lean một cách chuẩn xác:

  1. Chất lượng: Cải thiện tối thiểu 50% các khiếm khuyết về chất lượng mỗi năm.
  2. Giao hàng: 99% giao hàng đúng thời hạn mà khách hàng yêu cầu.
  3. Tiến độ: Thời gian thực hiện các hoạt động thuộc lĩnh vực khách hàng giảm 50% mỗi năm.
  4. Năng suất: Cải thiện 15-20% năng suất mỗi năm.
  5. Hàng tồn kho: Lượng hàng tồn kho hai chữ số có chuyển biến tích cực trong hai năm đầu tiên.
  6. Thị trường cổ phiếu tiến bộ đáng kể, là kết quả của việc nâng cao dịch vụ và chất lượng.

Ngoài ra còn có nhiều lợi ích khác nữa, chẳng hạn như tinh thần làm việc của nhân viên được cải thiện mạnh mẽ, thể hiện ở việc họ bắt đầu tham gia nhiều hơn vào các hoạt động thiết kế và cải tiến quy trình làm việc, điều mà họ vốn vẫn phải làm thường nhật. Sự hài lòng của khách hàng được nâng cao đáng kể khi mà chất lượng và tiến độ công việc của bạn được cải thiện. Cuối cùng, các cổ đông có thể nhìn thấy được lợi ích của họ ở con số lợi nhuận cao hơn và một bảng cân đối kế toán chắc chắn.

Xét về khía cạnh cuối cùng, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng đều có tiềm năng để phát triển tốt nhờ Lean. Tôi chưa bao giờ thấy một tình huống nào mà Lean không thể hiện tác động đáng kể. Để nhận ra đầy đủ lợi ích của Lean, các nhà lãnh đạo cần phải hoàn toàn tận tâm và không bị cuốn theo xu hướng quay ngược trở lại về phương thức quản lý truyền thống. Hãy nhớ câu tục ngữ cổ của Trung Quốc: “Con cá bị thối rữa là bắt đầu từ phần đầu của nó” và đây chắc chắn là trường hợp áp dụng Lean thất bại.

Văn phòng NSCL biên dịch

Nguồn: sbnonline.com

Tin mới