Trong giai đoạn năm 2019 – 2020 với mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận hàng năm, ban lãnh đạo Công ty CADIVI Tân Á (Chi nhánh Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai) đã không ngại thử nghiệm các phương pháp mới nhằm nâng cao hiêu quả sản xuất.
Trong khi giá bán sản phẩm ngày càng cạnh tranh khốc liệt, để tăng doanh thu, không còn cách nào khác là tăng sản lượng. Muốn tăng sản lượng, doanh nghiệp hoặc phải đầu tư thêm thiết bị (cần chi phí đầu tư cao) hoặc áp dụng các giải pháp để nâng cao hiệu quả sản xuất với nguồn lực sẵn có. CADIVI Tân Á đã lựa chọn cách thức thứ 2.
Theo đó, Công ty đã phối hợp cùng với các chuyên gia tư vấn của Viện Năng suất Việt Nam để tìm cách nâng cao hiệu suất dây chuyền sản xuất cáp trung thế.
Thực hiện chuyển đổi nhanh
Nhóm tiến hành quay video và phân tích thao tác quy trình chuyển đổi sản phẩm tại máy MB.90-1.
Dựa trên phương pháp lấy mẫu công việc (Work Sampling) và nguyên lý cải tiến ECRS, nhóm chuyên gia đã hướng dẫn doanh nghiệp phân tích quy trình chuyển đổi hiện tại của máy MB.90-1 thành những tác vụ lớn. Sau đó tiến hành quay phim và phân tích từng tác vụ, đồng thời phân biệt tác vụ E (có thể thực hiện được lúc máy chạy) và tác vụ I (chỉ thực hiện được lúc máy dừng).
Dựa trên sự phân biệt tác vụ, nhóm cải tiến tiến hành rút ngắn, sắp xếp, cải tiến lại các tác vụ E (làm trước), I (làm sau) và giảm tối đa lãng phí do việc đi lại, vận chuyển. Nhờ thay đổi hợp lý các quy trình từ I (làm sau) sang E (làm trước) và cải tiến công cụ, dụng cụ phục vụ công việc tháo khuôn máy mà thời gian dừng máy đã giảm được 39,75% (từ 40 phút chuyển đổi trước cải tiến, chỉ còn 24.1 phút sau cải tiến).
Áp dụng bảo trì tự quản
Bảo trì tự quản là nhóm các hoạt động bảo trì, bảo dưỡng được thực hiện bởi chính công nhân vận hành. Nhóm cải tiến CADIVI Tân Á tập trung vào việc hướng dẫn công nhân vận hành vệ sinh định kỳ ban đầu để phát hiện sự bất thường của máy hay khu vực làm việc thông qua hoạt động treo thẻ AM – với các thông tin và hướng dẫn cụ thể để tất cả những người tham gia đều dễ dàng nhận biết và theo dõi. Qua đó, bất kỳ những sự bất thường nào dù là nhỏ nhất ảnh hưởng đến điều kiện làm việc bình thường của thiết bị hay khu vực làm việc cũng sẽ được phát hiện trước khi biến thành những sự cố lớn hơn.
Những nguồn dơ bẩn và rủi ro tiềm ẩn sau khi được phát hiện và phân tích sẽ được cô lập và loại bỏ khỏi máy và khu vực làm việc. Đối với các khu vực khó vệ sinh, đoàn chuyên gia đã cùng nhóm cải tiến nghiên cứu cải tiến phương pháp và công cụ vệ sinh. Sau đó chuẩn hóa bằng cách xây dựng bộ tiêu chuẩn Vệ sinh – Kiểm tra – Bôi trơn cho vận hành máy móc, thiết bị của nhà máy CADIVI Tân Á. Còn các khiếm khuyết trên máy móc, thiết bị sẽ được tiến hành phân tích nguyên nhân và đưa ra kế hoạch cụ thể để xử lý với thời gian hoàn thành và người thực hiện được phân công chi tiết. Cuối cùng kết quả khắc phục sẽ được cấp quản lý xác nhận và theo dõi.
Với các giải pháp trên, OEE thiết bị đã tăng trung bình 20%, giúp hiệu suất chung của nhà máy đạt trên 70%. Từ sự thành công bước đầu này CADIVI Tân Á quyết tâm thực hiện thêm các cải tiến khác để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Văn phòng NSCL