Trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, làm thế nào để thu hút khách hàng mua sản phẩm của doanh nghiệp mình là điều các Doanh nghiệp luôn hướng đến. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, việc áp dụng các công cụ cải tiến sẽ giúp Doanh nghiệp nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng, giá thành hợp lý qua đó đáp ứng được nhu cầu của khách hàng – yêu cầu tối thiểu để doanh nghiệp có thể tồn tại.
Cũng như nhiều doanh nghiệp sản xuất khác, Lãnh đạo Công ty CP Viglacera Thăng Long nhận thức được sự cần thiết trong việc áp dụng các công cụ cải tiến năng suất vào quá trình sản xuất. Từ năm 2015, Ban lãnh đạo công ty đã tiến hành triển khai các khóa đào tạo về Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể (TPM), công cụ 5S, KAIZEN nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ sản xuất, người lao động đồng thời cải thiện môi trường làm việc, cải tiến năng suất.
Dù vậy, sau một thời gian dài triển khai, việc áp dụng các công cụ cải tiến còn gặp nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng, môi trường chưa thực sự đảm bảo; công nhân sửa chữa, bảo trì, bảo dưỡng thiết bị ngay ngoài khuôn viên nhà máy – việc làm có thể gây ảnh hưởng đến máy móc, môi trường xung quanh. Chưa kể, người công nhân phải di chuyển quá nhiều lần sẽ mất nhiều thời gian, tạo lãng phí.
Bên cạnh đó, máy móc, thiết bị chưa được sắp xếp hợp lý, để xa người công nhân, chưa thực sự thuận tiện cho việc sử dụng khi cần thiết. Các thiết bị điện tử còn lộn xộn, khó tìm; hệ thống dây điện chằng chịt, không dễ nhận biết. Khu vực nhà xưởng khó vệ sinh, điều kiện ánh sáng chưa tốt…
Nhận thấy những vấn đề trên, Ban lãnh đạo công ty quyết tâm đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến một lần nữa để có thể khắc phục những hạn chế còn tồn đọng.
Năm 2017, Công ty CP Viglacera Thăng Long hợp tác với Viện Năng suất Việt Nam tổ chức các khóa học đào tạo về KAIZEN, 5S cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, nhân viên công ty. Sau nhiều buổi học, học viên đã được tiếp cận với khái niệm, các nội dung chính, phương pháp thực hành 5S cũng như cách xác định các lãng phí để có thể áp dụng KAIZEN một cách bài bản, khoa học. Chiến dịch “thẻ đỏ” nhằm phân biệt được đồ giữ lại, đồ bỏ đi hay quy tắc 30s; First in – First out, ,.. đều được giảng viên hướng dẫn chi tiết, kĩ càng.
Đối với chương trình 5S, công ty đã triển khai với các nội dung chính bao gồm: thành lập Ban 5S giám sát thực hiện; chỉ đạo các phòng ban lên kế hoạch triển khai 5S; tuyên truyền, khuyến khích cán bộ, công nhân viên tự triển khai công việc. Việc lên kế hoạch triển khai 5S cần xác định rõ đối tượng thực hiện; thời gian thực hiện (đối tượng cần nhiều thời gian hơn thì cần xây dựng kế hoạch đầu tư, dự trù kinh phí, hạnh toán rõ ràng…), ai là người chịu trách nhiệm thực hiện …
Các hạng mục, khu vực khác nhau sẽ thực hành 5S theo các cách khác nhau nhằm tăng cường sự linh hoạt, chủ động cho các phòng, ban. Việc ban hành tiêu chuẩn hóa về 5S, hướng dẫn quy trình thực hành 5S là hết sức cần thiết với công ty để có thể đưa việc triển khai 5S, KAIZEN đi đúng hướng và hiệu quả hơn trước.
Bên cạnh đó, thúc đẩy, nâng cao tinh thần tự giác, trách nhiệm của đội ngũ lãnh đạo, công nhân cũng vô cùng quan trọng. Làm thế nào để khuyến khích mọi người tự nguyện thực hiện, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai các hoạt động 5S, KAIZEN trên phạm vi rộng là vấn đề được công ty quan tâm.
Ngoài ra, từ Ban lãnh đạo đến cán bộ quản lý cấp trung rất tích cực trong việc chỉ đạo, thực hiện 5S, tạo được động lực cho cán bộ, nhân viên hăng hái tham gia, duy trì thực hành 5S. Những cá nhân, tập thể thực hành tốt 5S hay có những sáng kiến đổi mới cải tiến thay đổi cũng được đề xuất khen thưởng.
Dù là những thành công bước đầu trong giai đoạn triển khai dự án nhưng công ty Cp Viglacera rất quyết tâm áp dụng thành công các công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng, thay đổi môi trường làm việc theo hướng tích cực hơn. Hi vọng trong thời gian triển khai tiếp dự án, cán bộ, nhân viên công ty sẽ có đươc nhiều kinh nghiệm hơn nữa để tạo ra nhiều đột phá, đi đầu trong phong trào thực hiện 5S-KAIZEN trong các doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam.
Nguồn: http://vnpi.vn