Từ nay đến năm 2020, tỉnh Kiên Giang tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phục vụ hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp trên địa bàn và cung ứng cho thị trường trong nước.
Giá trị CNHT còn thấp
Theo bà Lê Thị Minh Phụng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang – dù thời gian qua phát triển CNHT của tỉnh được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhưng trên thực tế, số lượng cơ sở CNHT vẫn chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp. Doanh nghiệp (DN) CNHT chủ yếu là các cơ sở có quy mô vừa và nhỏ, năng lực vốn, công nghệ và phạm vi thị trường còn nhiều hạn chế; giá trị gia tăng của các ngành CNHT tương đối thấp…
Đơn cử như đối với ngành cơ khí chế tạo, DN chủ yếu sản xuất sản phẩm CNHT phục vụ cho công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng… thực hiện bằng phương pháp thủ công, hàm lượng công nghệ chưa cao.
Bà Lê Thị Minh Phụng lý giải, nguyên nhân của thực trạng trên do quá trình phát triển CNHT của cả nước nói chung và tỉnh Kiên Giang nói riêng còn gặp nhiều rào cản về công nghệ, chi phí, thị trường kết nối cung – cầu, chính sách hỗ trợ, chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Bên cạnh đó, năng lực cung cấp của DN CNHT hạn chế; chưa có sự liên kết giữa DN trong và ngoài nước. Thậm chí, phần lớn sản phẩm công nghiệp chính của Kiên Giang hầu hết phải sử dụng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu hoặc mua từ các DN khác trong nước.
Tập trung nguồn lực
Với quyết tâm lớn, tỉnh Kiên Giang dự kiến dành khoảng 19 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác để phát triển CNHT. Theo đó, tập trung vào ngành cơ khí chế tạo, sản xuất bao bì, linh kiện điện tử, gỗ MDF và da giày.
Đối với ngành cơ khí chế tạo, sản phẩm CNHT chủ yếu phục vụ cho công nghiệp đóng, sửa chữa tàu, thuyền, sản xuất vật liệu xây dựng, nông nghiệp, thương mại. Riêng đối với ngành da giày, Kiên Giang đã thu hút một dự án với công suất hơn 6,4 triệu đôi/năm, sản xuất giày thể thao xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU. Dự án này hiện đang tiếp tục mở rộng quy mô, nâng công suất của các ngành phụ trợ như sản xuất đế, phom, khuôn, in, ép…
Bên cạnh đó, tỉnh Kiên Giang cũng hỗ trợ DN áp dụng hệ thống về quản lý chất lượng sản phẩm, quản trị DN, quản trị sản xuất sản phẩm CNHT phù hợp với yêu cầu quốc tế. Địa phương tiếp tục hỗ trợ DN đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm CNHT; tăng cường liên kết giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo và DN; đánh giá nhu cầu nhân lực của DN; khuyến khích, tạo điều kiện hỗ trợ DN triển khai dự án nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng…
Nguồn: baocongthuong.com.vn