Khuyến công Đắk Nông: Hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp nông thôn

Là tỉnh còn nhiều khó khăn về kinh tế, xã hội, nhiều năm qua, Đắk Nông cũng là một trong những địa phương có hoạt động khuyến công khá hiệu quả. Điển hình là việc hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, hỗ trợ doanh nghiệp mua máy móc, thiết bị để cải thiện năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm

Là một trong những doanh nghiệp (DN) có cơ sở vật chất ban đầu yếu kém, nguồn lao động bị hạn chế nên những ngày đầu mới thành lập, Cơ sở Mộc Quang Ánh ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu nên lượng điện tiêu thụ rất lớn, làm tăng cao chi phí sản xuất.

Để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Cơ sở Mộc Quang Ánh đã lập dự án đầu tư 150 triệu đồng mua sắm một số máy móc, thiết bị, xây dựng lại nhà xưởng, tuyển dụng thêm lao động có trình độ tay nghề, tổ chức truyền nghề cho lực lượng lao động mới. Trong đó, được Trung tâm Khuyến công Đắk Nông hỗ trợ kinh phí 60 triệu đồng để mua sắm các loại máy như máy bào liên hợp, máy cưa vanh bánh đà phục vụ cho việc chế tạo ra các sản phẩm mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ.

Ngày 24/10/2014, sau hơn 2 tháng sử dụng, những máy móc này đã giúp cơ sở hoạt động hiệu quả hơn, rút ngắn được thời gian và tạo ra sản phẩm đẹp, tốt, giá thành hạ. Lượng điện tiêu thụ đã giảm được 2 kWh/sản phẩm. Đối với máy xẻ, trước đây do bánh đà nhỏ nên công suất thấp, lại không xẻ được những phôi lớn nên cơ sở thường phải vận chuyển đến những điểm xẻ gỗ bên ngoài để làm. Từ khi đầu tư máy xẻ đứng mới không chỉ khắc phục được các hạn chế trước đây, mà đơn vị còn có thể giảm được 2 công/sản phẩm/ngày. Với các thiết bị mới này, cơ sở có thể tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu sản xuất, thời gian tạo ra sản phẩm rút ngắn. Đặc biệt, thiết bị mới này cũng có nhiều chức năng hơn, làm nguội nhanh, đường nét sắc sảo, độ nhẵn mịn cao, sản phẩm tạo ra có độ sắc nét và chính xác cao; công suất tăng lên gấp 2 lần (từ 30 lên 70 sản phẩm/tháng); doanh thu tăng từ 100 triệu lên 300 triệu đồng/tháng, lợi nhuận đạt gần 130 triệu đồng/năm và tạo việc làm cho khoảng 8 lao động tại địa phương.

Ông Trần Văn Dũng, chủ cơ sở cho biết: “Trước đây, cơ sở cũng đã được chương trình khuyến công hỗ trợ tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ, được hỗ trợ xe cộ đi lại, ăn nghỉ… Lần này, đề án khuyến công cũng đã giúp cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Hiện tại, thị trường tiêu thụ chủ yếu của cơ sở là trên địa bàn tỉnh và các tỉnh miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh. Với những máy móc mới này, cơ sở cũng hy vọng, sản phẩm của mình làm ra sẽ được nhiều khách hàng biết đến hơn không chỉ vì mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, mà giá thành giảm”, v.v…

Không riêng cơ sở Quang Ánh, những năm gần đây, hoạt động khuyến công ở Đắk Nông đã thực sự trở thành “bà đỡ” cho nhiều doanh nghiệp, cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Nguyễn Toàn (Gia Nghĩa) cũng đã được kinh phí khuyến công hỗ trợ tham gia các hội chợ xúc tiến thương mại ở tỉnh Long An. Tại đây, doanh nghiệp đã không chỉ bán được các sản phẩm từ mộc mỹ nghệ, mà còn giới thiệu tới khách hàng sản phẩm “than sạch” do đơn vị mới sản xuất.

Bên cạnh đó, đơn vị còn được kinh phí khuyến công hỗ trợ để tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh; đồng thời, tham dự các lớp tập huấn khuyến công để nắm rõ hơn về các quy trình sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, tiếp cận thị trường, v.v…

Góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến

Những năm qua, công tác khuyến công Đắk Nông rất chú trọng đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở CNNT sản xuất chế biến cà phê, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư máy móc, thiết bị, kỹ thuật ban đầu khi triển khai sản xuất từ nguồn vốn khuyến công quốc gia và địa phương thông qua các đề án: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê bột tại Công ty TNHH Hoàng Phát; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê hoà tan tại Công ty TNHH MTV cà phê Đắk Tín; xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật chế biến cà phê nhân tại HTX An Tiếp; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong chế biến cà phê nhân tại Công ty TNHH Loan Hiệp; xây dựng và đăng ký thương hiệu đối với sản phẩm cà phê bột Công ty TNHH Hoàng Phát; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại vào trong chế biến cà phê bột Hương Nguyên; hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị vào trong dây chuyền chế biến cà phê nhân tại DNTN Toàn Hằng. Nguồn hỗ trợ không lớn nhưng nó đã trở thành nguồn “vốn mồi” góp phần khuyến khích cơ sở đầu tư trong việc ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào hoạt động sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống của người lao động và đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương. Thông qua hoạt động khuyến công, các cơ sở CNNT không chỉ được bổ sung các kiến thức, kinh nghiệm cho quá trình sản xuất, kinh doanh, mà còn từng bước nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa; nhiều cơ sở đã được khuyến công hỗ trợ các chi phí để phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm thông qua việc tham gia hội chợ, triển lãm.

Theo kế hoạch, thời gian tới, Trung tâm sẽ chú trọng hơn nữa tới việc hỗ trợ về kiến thức kinh doanh, vốn, kỹ thuật tới các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể, nhất là ở khu vực vùng sâu vùng xa.

Ngoài việc hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, Trung tâm cũng đã vận động, thông báo cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm được tổ chức ở trong và ngoài tỉnh. Qua đó, các doanh nghiệp đã có cơ hội tiếp cận với thị trường, công nghệ mới và xác định được hướng đầu tư phát triển phù hợp với khả năng của mình.

Cục Công nghiệp địa phương

Tin mới