Tiết giảm chi phí
Theo khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2019 công bố gần đây cho thấy, lý do chính thúc đẩy các DN tư nhân trong nước lựa chọn ứng dụng đổi mới công nghệ là tiết giảm chi phí để nâng cao khả năng cạnh tranh; nâng cao khả năng tiếp cận thị trường, cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu…
Thực tế thời gian qua, nhiều DN đã đầu tư trang thiết bị, máy móc, dây chuyền công nghệ hiện đại để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, cũng như tạo nên giá trị thương hiệu của sản phẩm.
Theo ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Hội đồng Quản trị TBS Group, thông qua đổi mới công nghệ, các DN có thể sử dụng nguồn lực hiệu quả bằng cách tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm… Hơn nữa, khi tiến vào kỷ nguyên số các DN cần phải thực hiện công tác quản trị trên nền tảng số. Trong đó, điều quan trọng nhất là xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, thuê ngoài công nghệ để phân tích và tận dụng lượng thông tin quan trọng này. TBS Group đã và đang đẩy mạnh quản trị trên nền tảng số từ những bước cơ bản như đưa các tác nghiệp thủ công hàng ngày sang công cụ số, cũng như kết nối, liên thông hệ thống dữ liệu từ hệ thống nghiên cứu, sản xuất, bán hàng…
Tại Công ty CP Tổng công ty May Đồng Nai, hiện nay các thị trường lớn xuất khẩu của công ty là Hoa Kỳ, Nhật Bản, các nước châu Âu… Để tận dụng cơ hội từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) như CPTPP, EVFTA… trung bình hàng năm công ty chi khoảng 20 tỷ đồng để ứng dụng công nghệ, máy móc tiên tiến vào sản xuất, nhằm đảm bảo tăng năng suất, sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng lớn.
Cần thêm sự hỗ trợ
Ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP. Hồ Chí Minh – chia sẻ, trong môi trường cạnh tranh và toàn cầu hóa như hiện nay, nếu DN không kịp thời nắm bắt công nghệ để đổi mới sản xuất sẽ có nguy cơ tụt hậu, mất thị trường. Hơn nữa, Hiệp định EVFTA là minh chứng cho thấy, Việt Nam là một trong những đối tác hứa hẹn nhất trong thực thi thương mại quốc tế với EU. Ngoài ra, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng thông qua các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP. Vì thế, DN cần nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng sản lượng và năng suất lao động, sử dụng tiết kiệm hợp lý nguyên vật liệu… góp phần tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu là điều hết sức cấp thiết và quan trọng.
Theo ông Trần Ngọc Liêm – Phó giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, điểm mạnh cần phát huy của phần lớn các DN trong nước là tính năng động, linh hoạt trong phân khúc nhỏ của thị trường, trong các thị trường “ngách”… Bên cạnh việc DN chủ động nắm bắt thời cơ, đầu tư đổi mới công nghệ, thì cần sự trợ giúp về thị trường, thông tin đối tác, hỗ trợ nguồn vốn để đổi mới dây chuyền sản xuất… DN cần chú trọng vấn đề an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy trình, quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu…
Nguồn: congthuong.vn