Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Thúc đẩy tăng năng suất lao động

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là đòn bẩy góp phần thúc đẩy tăng năng suất lao động tại các doanh nghiệp (DN). Nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các DN đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ đã được ban hành, triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ, thông qua Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia, Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao, Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đã góp phần tăng trưởng của DN. Sau khi các chương trình trên kết thúc, DN tham gia đã có mức tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 18,8%; cá biệt một số DN quy mô nhỏ có mức tăng trưởng trên 50%.

Kết quả kinh doanh sản phẩm của các nhiệm vụ trên ước đạt gần 3.424 tỷ đồng trong 5 năm tiếp theo (2020 – 2025), trung bình chiếm 33,6% doanh thu của DN. Các DN đã tăng được tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất sản phẩm lên mức 67%; trong đó có những sản phẩm dùng hoàn toàn 100% nguồn nguyên liệu trong nước, thị phần của các DN tăng lên 10% vào năm 2016 và 20% vào năm 2018, dự kiến 34,7% trong 5 năm tới. Đồng thời hoạt động sản xuất của các nhiệm vụ cũng đã tạo ra hơn 3.000 việc làm trong những năm qua và tác động này sẽ tiếp tục lan tỏa sâu rộng đến toàn thể xã hội vào những năm tới khi mà các nhiệm vụ có quy mô lớn hoàn thành, đưa sản phẩm ra thị trường.

Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) – cho biết: Thông qua triển khai Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghệ chế biến đến năm 2020; Chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ trọng điểm cấp quốc gia phát triển công nghiệp hóa dược đến năm 2020, kết quả tất cả các đề tài, dự án trong năm 2017 – 2018 đều gắn với thực tế sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, Dự án năng suất chất lượng ngành Công Thương đã và đang hỗ trợ xây dựng 175 mô hình điểm về áp dụng công cụ cải tiến năng suất; các tiêu chuẩn, quy chuẩn như: ISO/TS 16949, 5 Core Tool, ISO 50001, ISO 22000, TPM, Lean… vào DN trong ngành.

Hiện, các DN Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đáp ứng yêu cầu của khách hàng, tăng cường sức cạnh tranh của DN thông qua không ngừng cải tiến năng suất, chất lượng và hiệu quả quản lý. Trong khi đó, thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844) tiếp tục được triển khai trong năm 2018 – 2019, đến nay cả nước có hơn 3.000 DN khởi nghiệp, gần 70 khu không gian làm việc chung, 50 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh… Đổi mới sáng tạo đã làm thay đổi tư duy của DN và tạo cú huých để các DN nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ trong các sản phẩm.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ):
Đổi mới sản phẩm, quy trình, tổ chức quản lý và mô hình kinh doanh trong DN là các yếu tố quan trọng, trực tiếp góp phần tăng năng suất. Chỉ khi nào DN nhận thức đầy đủ về vấn đề này, hoạt động đổi mới sáng tạo ở DN mới mang lại hiệu quả thiết thực.

Nguồn: congthuong.vn

Tin mới