Khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS tại doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tiêu chuẩn về Hệ thống quản lý An toàn sức khỏe nghề nghiệp OHSAS được Viện tiêu chuẩn Anh BSI xây dựng và ban hành vào năm 1999 và được sửa đổi vào năm 2007. Phiên bản hiện nay của tiêu chuẩn này là OHSAS 18001:2007. Tiêu chuẩn OHSAS quy định các yêu cầu chi tiết về hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn lao động để hỗ trợ việc theo dõi và kiểm soát rủi ro, cải thiện hiệu suất thực hiện hệ thống quản lý sức khỏe và an toàn lao động. Tiêu chuẩn này cũng được sử dụng cho mục đích đánh giá chứng nhận phù hợp và cấp giấy chứng nhận phù hợp cho một Hệ thống quản lý an toàn sức khỏe nghề nghiệp OH&S.

Thực tế cho thấy, khi áp dụng tiêu chuẩn OHSAS, tổ chức có thể đạt được một số lợi ích như sau:

  •  Tiết kiệm và giảm được các chi phí về sức khỏe cá nhân và tai nạn;
  • Cải thiện văn hóa và đạo đức của tổ chức;
  • Tạo ra một cơ chế kiểm soát và đo lường khả năng thực hiện về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp;
  • Giúp đỡ các tổ chức thực hiện phù hợp với các yêu cầu của luật pháp và bảo vệ uy tín của tổ chức;
  • Cung cấp các bằng chứng trong việc quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp và giảm thiểu các chi phí;
  • Cải thiện cảm nhận của khách hàng và hình ảnh của tổ chức;

Với tiêu chuẩn này, tổ chức không chỉ cải thiện mối quan hệ với cộng đồng và các bên hữu quan mà còn quan tâm trực tiếp đến an toàn và sức khỏe của người lao động, giúp tăng cường tâm huyết của nhân viên đồng thời thu hút nhân tài. Tại Việt Nam, những doanh nghiệp đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn OHSAS chủ yếu là các công ty liên doanh, công ty có vốn nước ngoài thường áp dụng hệ thống này như là điều kiện bắt buộc từ các công ty mẹ. Trong khi đó, các công ty Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang chật vật với hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và chưa đủ nguồn lực để thực hiện hệ thống này.

Vậy đâu là những khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn OHSAS tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ?

A. Khó khăn về tài chính Việt Nam có hơn 97% số doanh nghiệp là DNVVN. Đối với các doanh nghiệp này, việc áp dụng tiêu chuẩn OHSAS đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư chi phí lớn để nâng cấp nhà xưởng, huấn luyện nhân viên, đo kiểm môi trường làm việc, đầu tư cải tiến máy móc thiết bị, đồ bảo hộ… Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế như hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp đều tìm cách cắt giảm chi phí để tồn tại và sản xuất thì việc đầu tư chi phí lớn cho việc áp dụng OHSAS là rất khó khăn.

B, Khó khăn về nhận thức Đối với các DNVVN, vấn đề chất lượng là vấn đề mà doanh nghiệp tập trung lo lắng hàng đầu, bởi vậy, hầu hết các doanh nghiệp đều ưu tiên áp dụng tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001. Những lợi ích lâu dài mà hệ thống OH&S mang lại chưa được lãnh đạo các doanh nghiệp nghĩ đến. Mặt khác, có nhiều ý kiến cho rằng áp dụng tiêu chuẩn OHSAS sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất do phải sử dụng đồ bảo hộ cồng kềnh, phải thực hiện đúng các qui trình an toàn. Đó là chưa kể đến các nhân viên trong doanh nghiệp không có thói quen sử dụng bảo hộ lao động, nay phải sử dụng đầy đủ tạo ra một áp lực thay đổi và sự thay đổi này cần có sự hỗ trợ của lãnh đạo và cần một thời gian nhất định.

C, Khó khăn về năng lực của nhân viên Để áp dụng hệ thống OHSAS 18001:2007 đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng được một nhóm phụ trách OHSAS, trong đó, nhóm này sẽ được đào tạo để vận hành hệ thống cũng như đánh giá hệ thống. Tuy nhiên, do yêu cầu của OHSAS 18001:2007 là một tiêu chuẩn kỹ thuật, cho nên không phải ai cũng có thể tham gia nhóm này vì để có thể tiến hành nhận diện nguy cơ, đánh giá và kiểm soát rủi ro cho từng công việc, đòi hỏi nhân viên của nhóm phải am hiểu, có kiến thức cơ bản về lĩnh vực AT-VSLĐ, hiểu được các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại phát sinh trong quá trình làm việc cũng như tác hại của nó, để có thể nhận diện và đánh giá mức độ nghiêm trọng của từng yếu tố cũng như đưa ra các biện pháp kiểm soát phù hợp. Đối với DNVVN, trong điều kiện thiếu tiềm lực về tài chính và nhân lực, doanh nghiệp chỉ có thể chuẩn bị thực hiện từng bước hệ thống OHS bắt đầu từ những phương thức đơn giản hơn như 5S, KYT, WISE…

D, Khó khăn phát sinh trong quá trình áp dụng Hệ thống OH&S phải được vận hành liên tục với sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, việc không quan tâm và xem xét thường xuyên dẫn đến việc thực hiện theo một khuôn mẫu, không có sự cải tiến liên tục nên hiệu quả đạt được cũng không cao. Ngoài ra, một vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện là thiếu nguồn nhân lực. Áp dụng tiêu chuẩn OHSAS đòi hỏi doanh nghiệp phải có đủ nhân lực để (1) kiểm soát hồ sơ, tài liệu sau khi được sử dụng (2) kiểm soát những điểm không phù hợp, sự thay đổi phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống OH&S (3) đánh giá, kiểm tra hằng tháng để theo dõi sự thực hiện, kịp thời phát hiện các lỗi, các điểm chưa phù hợp để đưa ra các hành động khắc phục, phòng ngừa. Việc thiếu nguồn nhân lực để thực hiện các chức năng trên dẫn đến khó khăn cho việc đánh giá và xem xét của lãnh đạo cũng như việc vận hành toàn hệ thống.

Với rất nhiều những khó khăn mà DNVVN đang gặp phải thì yếu tố quyết định đến việc áp dụng tiêu chuẩn OHSAS là yếu tố nhận thức về AT&SKNN. Chỉ đến khi lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được rằng, chi phí và năng suất bị mất đi khi áp dụng tiêu chuẩn OHSAS không nhiều bằng chi phí khắc phục sự cố xảy ra về an toàn sức khỏe, thiệt hại về người và tài sản cũng như thời gian mất đi để khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất thì tiêu chuẩn OHSAS mới thực sự được quan tâm.

Tài liệu tham khảo: 1. Quản lý chất lượng trong các tổ chức. Tạ Thị Kiều An – Ngô Thị Ánh – Nguyễn Văn Hóa – Nguyễn Hoàng Kiệt – Đinh Phượng Vương. NXB Thống kê, 2004. 2. http://nilp.vn/

Tin mới