KHCN là chìa khóa để tăng năng suất chất lượng ngành khai khoáng

Công nghệ doanh nghiệp khai khoáng hiện nay đã tiếp cận trình độ khu vực, từ đó góp phần tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

Báo cáo tại hội nghị tổng kết giai đoạn 2010-2015 “Đề án đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/4 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Huy Hoàn, Vụ phó Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương cho biết, qua 6 năm thực hiện Đề án, đến nay, nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước trong lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản đã có những bước tiến đáng kể trong hiện đại hóa công nghệ.

Việc này đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm tiêu hao năng lượng, giảm chi phí sản xuất, cải thiện an toàn, môi trường và giảm tổn thất tài nguyên khoáng sản. Cụ thể, theo TS. Nguyễn Huy Hoàn, ở Tập đoàn Dầu khí, đến nay, hầu hết công nghệ trong lĩnh vực khai thác và chế biến dầu khí đã tiệm cận trình độ khu vực, hoạt động đảm bảo an toàn lao động, đạt tiêu chuẩn môi trường; công nghệ đạt trình độ cơ giới hóa và tự động hóa cao, chú trọng chế biến sâu tạo giá trị gia tăng cao.

Đơn cử như trong lĩnh vực khai thác dầu khí, tập đoàn sử dụng các công nghệ tiên tiến, mới nhất về sinh học, hóa học, công nghệ thông tin để nâng hệ số thu hồi dầu ở các mỏ Bạch Hổ, Rạng Đông, Sư Tử Đen; sáng tạo và dần hoàn thiện công nghệ khai thác dầu trong đá móng Granitoit… Hay trong chế biến dầu khí, tập đoàn xây dựng các nhà máy trọng điểm như lọc dầu Dung Quất, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau… với công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất của các nhà cung cấp, thiết kế của thế giới.

Đối với Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, báo cáo cũng cho biết, tập đoàn đã phê duyệt và thực hiện 10 chương trình khoa học công nghệ trọng điểm để hiện đại hóa công nghệ. Nhờ đó, trong khai thác than, tập đoàn đã xây dựng các hầm lò mới với độ cơ giới hóa cao, hiện đại, công suất lớn như mỏ than Hà Lầm, Núi Béo, Khe Chàm; sử dụng các cụm dây chuyền công nghệ tuyển trong môi trường huyền phù tự sinh và huyền phù manhetit, băng tải kín nhằm giảm ô nhiễm môi trường…

Đối với Tập đoàn Hóa chất, đơn vị này đã đầu tư mới nhiều dự án có công nghệ hiện đại như Dự án DAP Lào Cai, Dự án khai thác chế biến muối mỏ Lào, dự án sản xuất NH3… Tập đoàn cũng đã đầu tư và bổ sung các thiết bị mới hiện đại có năng suất cao, tiêu tốn ít năng lượng; thay thế các máy xúc chạy điện cũ bằng máy thủy lực, thay thế các máy khoan đập đạp xoay thủy lực…

Tuy nhiên, việc đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong công nghiệp khai khoáng vẫn còn khó khăn, hạn chế. TS. Nguyễn Huy Hoàn cho hay, trong giai đoạn vừa qua, nhu cầu vốn cho đầu tư đổi mới, hiện đại hóa công nghệ rất lớn nên các doanh nghiệp mới chỉ thực hiện đầu tư ở các cơ sở có điều kiện thuận lợi, có năng lực tài chính.

Vẫn còn nhiều doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực than, khoáng sản rắn có công nghệ, thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao, tổn thất tài nguyên lớn… Do vậy, các doanh nghiệp cần phải có sự quan tâm và đầu tư nhiều hơn nữa cho các nghiên cứu, đổi mới hiện đại hóa công nghệ.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho rằng, khoa học công nghệ là chìa khóa then chốt thành công của các doanh nghiệp khai khoáng. Do vậy, doanh nghiệp phải đi tắt, đón đầu trong khoa học công nghệ thì mới có thể vươn lên.

Các tập đoàn, tổng công ty cần tiếp tục đầu tư hơn nữa trong phát triển khoa học công nghệ để đảm bảo khai thác có hiệu quả cao, an toàn và đảm bảo môi trường, đồng thời cần có đánh giá cụ thể, sát thực hơn nữa về trình độ, năng lực của doanh nghiệp, xem mình đang đứng ở đâu, từ đó có giải pháp cụ thể nâng cao khoa học công nghệ trong khai khoáng cho giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo để nâng cao hơn nữa năng suất chất lượng chung.

Nguồn: VietQ

Tin mới