Công ty có địa chỉ tại Khu công nghiệp dệt may Bình An – TX Dĩ An – Bình Dương. Thiên Nam được thành lập từ năm 2000 hoạt động sang sản xuất và cung cấp sợi. Đến nay, công ty có 5 nhà máy với hơn 173,000 cọc sợi, hơn 1700 nhân viên và sản lượng đạt hơn 2,800 tấn/tháng.
Công ty hình thành và phát triển thị trường xuất khẩu ở các nước châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Philippines, Nhật Bản, các nước Châu Mỹ La Tinh. Với phương châm: “Chất lượng và khách hàng là ưu tiên hàng đầu”, công ty chúng tôi đã và đang cố gắng hết mình để xây dựng một thương hiệu cho sợi của Thiên Nam.
Với mong muốn nâng cao năng lực cạnh tranh, tối ưu hóa hiệu suất sử dụng dây chuyền sản xuất và cắt giảm các lãng phí trong máy móc, ban lãnh đạo công ty đã quyết định đăng ký tham gia Chương trình hướng dẫn áp dụng Bảo trì năng suất toàn diện do Bộ Công Thương hỗ trợ.
Cuối tháng 7 vừa qua, công ty và nhóm chuyên gia tư vấn của chương trình đã có buổi làm việc với mục đích khảo sát hiện trạng quản lý máy móc thiết bị tại công ty.
Trong buổi làm việc, các hoạt động được tư vấn xem xét khảo sát hiện trạng bao gồm Quy trình quản lý máy móc, thiết bị, các tiêu chuẩn bảo dưỡng máy móc, hạng mục bảo dưỡng trong tiêu chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá kết quả sau bảo dưỡng, hồ sơ nghiệm thu sao bảo dưỡng.
Đối với máy móc, thiết bị, không chỉ quy trình quản lý, tiêu chuẩn bảo dưỡng được xem xét mà tư vấn còn quan tâm tới việc đào tạo và đánh giá năng lực của công nhân vận hành máy. Nếu người công nhân thiếu năng lực vận hành, sẽ dẫn đến những sự cố, gây sản phẩm lỗi hoặc gây hỏng máy móc, thiết bị. Việc hỏng máy móc lại dẫn tới dừng chuyền sản xuất, giảm số sản lượng muốn đạt được trong ngày, giảm doanh thu của công ty, đồng thời còn làm tăng chi phí sản xuất do tăng chi phí sửa máy, tăng định mức chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm.
Tham gia áp dụng 5S, công ty cho biết hiện nay công ty đang quản lý chỉ số hiệu suất của máy theo thời gian và sản lượng. Sau khi được giới thiệu về TPM và chỉ số Hiệu quả thiết bị tổng thể (OEE), công ty rất quan tâm và mong muốn được tư vấn sâu hơn để có thể biết được chỉ số OEE hiện tại của nhà máy sản xuất sợi, mong muốn được tư vấn về các giải pháp của TPM để hoàn thiện hệ thống quản lý thiết bị tại công ty, để sau 3-6 tháng có thể đánh giá được hiệu quả áp dụng TPM thông quá tính toàn chỉ số OEE. Đồng thời, công ty cũng mong muốn được hướng dẫn áp dụng TPM tại 3 nhà máy số 2, 3, 4 của công ty để cùng lúc đánh giá được hiệu quả quản lý thiết bị máy móc giữa ba nhà máy, tạo sự cạnh tranh.
Trong buổi khảo sát, các cán bộ của công ty đã giới thiệu hiện trạng quản lý thiết bị, phần mềm quản lý thiết bị, trung tâm đào tạo công nhân phục vụ cho nhu cầu của công ty. Trong đó, trung tâm đào tạo của công ty được các chuyên gia tư vấn đánh giá rất cao về tính bài bản, tài liệu đào tạo, kế hoạch đào tạo. Khi áp dụng TPM, trung tâm đào tạo của công ty sẽ có thể phát huy hết các lợi ích về đào tạo. đánh giá công nhân vận hành máy phù hợp với triết lý về TPM kết nối giữa người vận hành máy móc và cán bộ bảo dưỡng.
Với đội ngũ cán bộ trẻ, nhiệt tình, có kiến thức, có kinh nghiệm và quyết tâm của Ban lãnh đạo công ty nhằm nâng cao năng suất, chuẩn bị năng lực cạnh tranh trong nước, tham gia và hội nhập mạnh mẽ với thế giới, công ty được các chuyên gia tư vấn đánh giá có nhiều tiềm năng cải tiến mang lại hiệu quả rõ rệt.
Văn phòng NSCL