Đề án:” Tập huấn, tư vấn áp dụng phương pháp quản lý sản xuất tinh gọn lean tại các doanh nghiệp ngành công nghiệp dệt may, da giầy, nhựa, hóa chất, thép, năng lượng.”
Dự án cải tiến theo LEAN tại Công ty TNHH Nhựa An Phú Việt được thực hiện theo hình thức phát triển mô hình điểm, tạo hạt nhân trong công ty để làm căn cứ mở rộng chương trình cải tiến toàn Công ty trên cơ sở 4 trụ cột trong tiếp cận là: Cơ cấu triển khai cải tiến, Năng lực cải tiến, Chu trình cải tiến và Động lực cải tiến.
Hình 1. Sơ đồ tổ chức nhóm cải tiến công ty An Phú Việt
Về cơ cấu triển khai, doanh nghiệp hình thành Đội cải tiến ở cấp Công ty với mục đích triển khai toàn dự án với các thành phần bao gồm đại diện Ban lãnh đạo doanh nghiệp đóng vai trò bảo trợ, đại diện các bộ phận liên quan chính. Đội cải tiến cấp Công ty có vai trò nòng cốt cho hoạt động cải tiến theo LEAN tại doanh nghiệp, điều phối chung chương trình, hỗ trợ các chủ đề cải tiến và đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp về các ưu tiên và kế hoạch cải tiến theo LEAN.
Hình 2. Khu vực bàn cắt via và bao gói sản phẩm
Ngoài ra, với mỗi chủ đề cải tiến, doanh nghiệp sẽ lập cơ cấu Nhóm chủ đề cải tiến với Nhóm trưởng và các thành viên liên quan để cùng nhau hoạch định, triển khai và đánh giá hoạt động cải tiến của chủ đề cải tiến. Hoạt động của các nhóm cải tiến là một thành phần quan trọng trong chương trình cải tiến của doanh nghiệp sau này và năng lực tổ chức, vận hành nhóm cải tiến cũng đóng vai trò là một năng lực quan trọng của các nhân sự tham gia cải tiến – một phần trong sự sẵn sàng của doanh nghiệp đối với cải tiến theo LEAN.
Về năng lực cải tiến, sau khi tham gia khóa đào tạo tập trung về Quản trị sản xuất tinh gọn, các thành viên trong Nhóm cải tiến của doanh nghiệp và các nhân sự liên quan được tham gia chương trình đào tạo Cải tiến hiện trường sản xuất (Gemba Kaizen) tại doanh nghiệp với các tình huống thảo luận được lấy từ thực tế sản xuất của doanh nghiệp mình.
Bên cạnh chương trình đào tạo này, các thành viên tham gia nhóm chủ đề cải tiến được huấn luyện trực tiếp bởi các chuyên gia tư vấn trong quá trình hướng dẫn triển khai chủ đề cải tiến về công cụ cải tiến liên quan và chu trình thực hiện cải tiến. Việc hoạch định và phát triển năng lực cải tiến được thực hiện dựa trên Ma trận kỹ năng cải tiến cho Nhóm cải tiến và các nhân sự liên quan nhằm hướng đến hình thành các hạt nhân năng lực cho mục đích mở rộng chương trình cải tiến theo Lean trong tương lai.
Năng lực thực thi chu trình cải tiến, từ nhận diện vấn đề đến tiêu chuẩn hóa và nhân rộng, là một trong những yếu tố quan trọng trong năng lực cải tiến của doanh nghiệp. Các nhân dự của doanh nghiệp tham gia cải tiến có cơ hội được thực hành chu trình cải tiến dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia tư vấn thông qua các giai đoạn nhận diện vấn đề – nắm bắt hiện trạng – phân tích vấn đề – phát triển đối sách và kế hoạch triển khai – thực hiện và đánh giá – rút bài học và nhân rộng. Việc thực hành chu trình khép kín này sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng tự mình vận hành các chu trình cải tiến trong tương lai.
Kết quả của việc thực thi cải tiến chính là động lực của hoạt động cải tiến trong doanh nghiệp. Việc xác định được các thước đo cụ thể, cả định tính và định lượng, giúp cho các nhóm cải tiến có thể theo dõi và đánh giá kết quả chủ đề và chương trình cải tiến mà mình tham gia. Các kết quả cải tiến định tính, thường gắn với năng lực thực thi, và định lượng thường gắn với hiệu suất, cũng là yếu tố liên kết giữa các chủ đề cải tiến cụ thể với mục tiêu chung của doanh nghiệp. Điều này giúp cho việc duy trì và cùng cố nhận thức cũng như cam kết của lãnh đạo doanh nghiệp với hoạt động cải tiến.
Lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được rõ ràng về lợi ích và nhu cầu của việc cải tiến hoạt động sản xuất theo LEAN.Nhận thức của các nhân sự tham gia chương trình cải tiến đã có các thay đổi cơ bản về nhìn nhận lãng phí, dòng chảy và sự tương tác trong công việc, phân tích công việc và phân công công việc, thu thập dữ liệu và đánh giá kết quả.Nhân sự tham gia cải tiến bắt đầu có thể sử dụng được các công cụ cơ bản trong quản lý sản xuất và LEAN như 7 lãng phí, 5S, quản lý trực quan, đo thời gian, tính năng lực công đoạn, …
Thay đổi nhân sự do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 làm tính liên tục của công việc bị ảnh hưởng. Điều này có thể được hạn chế tác động bằng việc đào tạo số lượng đủ nhân sự về cải tiến hiện trường để có thể thay thế, việc kiểm soát tốt thông tin dự án để người mới có thể nhanh chóng tiếp cận.
Các chủ đề cải tiến cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra về mặt kết quả và tiến độ.Ngay sau khi kết thúc chương trình triển thí điểm với khu vực bàn phụ trợ – hoàn thiện – Công ty An Phú Việt đã bắt đầu mở rộng việc áp dụng LEAN cho các chuyền khác. Chương trình này được dự báo sẽ mang lại các kết quả to lớn và toàn diện trên cơ sở các cải tiến đã thực hiện với các bộ phận hỗ trợ.
Văn phòng NSCL