Ngày 29/9/2020, Công ty Cổ phần Hương Sen Comfor đã tổ chức chương trình đánh giá nội bộ hoạt động TPM. Ban đánh giá gồm các thành viên của Ban TPM Công ty và các cán bộ tư vấn của Công ty CP Tư vấn EPRO. Trải qua 4 tháng áp dụng TPM, Hương Sen đã thu được những kết quả đáng khích lệ.
Với bộ phận bảo trì máy con: Trước đây lịch xích bảo trì không cụ thể, chỉ có đầu mục công việc chung chung thì nay đã xây dựng được lịch xích bảo trì máy chi tiết trong đó có: Các hạng mục, phương pháp thực hiện, công cụ sử dụng, thời gian sử dụng và tiêu chuẩn chấp chận. Với lịch xích mới, bản thân người thợ bảo trì khi làm việc sẽ có cơ sở để kiểm tra lại khối lượng và chất lượng công việc của mình, người quản lý cũng có căn cứ để kiểm tra, đôn đốc nhân viên của mình dễ dàng. Mặt khác, lịch xích chi tiết cũng có thể được coi là một tài liệu quan trọng giúp nhân viên bảo trì mới có thể tiếp cận với công việc dễ dàng hơn. Không chỉ vậy, việc áp dụng lịch xích đúng kế hoạch 100% trong các tháng 7, 8, 9 năm 2020 cũng đã giúp thời gian dừng máy ở khu vực máy con giảm từ 10.270 phút trong tháng 5 xuống còn 1125 phút trong tháng 8 (giảm 89%).
Với bộ phận QC: Nhận thấy chất lượng sợi máy con có sự không ổn định tại một số cọc sợi. Nhóm cải tiến do chị Phạm Thị Hà đứng đầu đã tiến hành phân tích nguyên nhân gốc rễ bằng phương pháp xương cá và 5 why. Nhóm đã tìm ra được nguyên nhân của vấn đề và đã đưa ra một số giải pháp như: Tăng cường sự hỗ trợ của trưởng ca đối với các nhân viên thiếu kinh nghiệm để giảm thời gian khắc phục sợi đứt; xây dựng hướng dẫn thao tác nối cúi; Điều chỉnh chiều cao gối đỡ tại các cọc sợi về độ cao 4.0mm. Các hành động này đã giúp ổn định chất lượng sợi và đảm bảo tỷ lệ lỗi chất lượng nằm trong khoảng cho phép của nhà máy.
Trước khi thực hiện TPM, tình trạng tăng ca tại tổ thay thô khá phổ biến mỗi khi bên bảo trì thực hiện bảo dưỡng máy, thời gian tăng ca có thể từ 3-8h/lần. Nguyên nhân chủ yếu là do tổ thay thô không biết trước lịch bảo trì nên bị động trong phân bổ kế hoạch công việc. Ngoài ra, việc thiếu xe dự trữ thô cũng dẫn đến tình trạng lõi thô bị lẫn lộn các màu gây ra mất thời gian tìm kiếm và kéo dài thời gian thay thô. Bởi vậy, nhóm cải tiến đã thực hiện các giải pháp sau: Đảm bảo tổ bảo trì phải thông báo kế hoạch bảo trì cho tổ thay thô trước 1 tuần; bổ sung các xe để lõi thô nhằm phân loại màu lõi thô theo từng xe; quy định rõ vị trí để xe thay thô. Sau 3 tháng thực hiện giải pháp, thời gian tăng ca của tổ thay thô đã giảm từ 98h trong tháng 5 xuống còn 0h trong tháng 8 và tháng 9.
Ngoài các kết quả của những nhóm cải tiến trên, hoạt động TPM tại Công ty Dệt sợi Hương sen còn thu được: 100 thẻ TPM được treo và 100% thẻ đã được xử lý; 2 bài học 1 điểm, OEE tằng từ 79% lên 81%.
Với những kết quả trên, Tổng giám đốc công ty, ông Đỗ Văn Vẻ cho biết: Ông đánh giá cao các trưởng nhóm và các thành viên đã tích cực, say sưa, nhiệt tình trong việc học tập và áp dụng phương pháp TPM. Tuy thời gian triển khai TPM chưa lâu nhưng những kết quả thu được có ý nghĩa to lớn. TPM giúp thay đổi nhận thức, phương pháp làm việc của CB-CNV Dệt sợi Hương Sen Comfor để từ đó nâng cao hiệu quả công việc cũng như giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Ông Vẻ cảm ơn sự hỗ trợ đầy tâm huyết của các chuyên gia tư vấn đến từ Công ty Cổ phần Tư vấn EPRO và đánh giá cao chương trình hỗ trợ “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm và hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương. Ông nhấn mạnh rằng, chương trình hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp đỡ các doanh nghiệp Việt Nam phát triển một cách bền vững, đồng thời, chương trình cũng cần được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để nhiều doanh nghiệp được hỗ trợ như Dệt sợi Hương Sen Comfor.
Văn phòng NSCL