Kết quả của việc áp dụng TPM tại Công ty SVEAM

Công ty TNHH MTV Động Cơ và Máy Nông Nghiệp Miền Nam (SVEAM) là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông ngư cơ tại Việt Nam.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng suất cũng như bảo vệ môi trường, Công ty đã liên tục đầu tư mua sắm máy móc hiện đại, thiết bị chuyên dụng, xây dựng và duy trì hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 : 2015, ISO 14001 : 2015 và IATF 16949.

Trong khuôn khổ chương trình: “Hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương cho 24 doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2019, Ban lãnh đạo công ty đã đăng ký tham gia chương trình từ tháng 9/2018 với phạm vi áp dụng tại dây chuyền Nắp hông của xưởng cơ khí số 1. 

Kết quả, việc triển khai thực hiện TPM đã mang lại cho doanh nghiệp các lợi ích sau:

  • Quản lý trực quan tốt hơn
  • Có thêm nhiều cải tiến về sắp xếp dụng cụ tại máy
  • Thiết lập và giám sát chỉ số OEE tại dây chuyền Nắp hông, hướng đến mục tiêu 85%.
  • Thiết lập và giám sát chỉ số MTTR

Cụ thể:

  • Về quản lý sản xuất: Sau 10 tháng giám sát số liệu sản xuất, Ban TPM đã lựa chọn và đề ra mục tiêu liên quan đến TPM: (1) OEE dây chuyền nắp hông cần đạt trên 85%, và (2) các chỉ số MTTR và MTBF cần được giám sát 1 lần mỗi tháng. Các hoạt động TPM tuy thí điểm tại một dây chuyền, nhưng được sự ủng hộ của Ban lãnh đạo công ty, và có sự tham gia của nhiều phòng ban (Sản xuất, Cơ điện, Nhân sự, ISO).

  • Về hiệu quả năng suất: Tăng (do OEE tăng). Chỉ số Hiệu suất thiết bị tổng thể OEE tại khu vực triển khai thí điểm tăng so với 8/2018. Cụ thể: giá trị OEE tháng 8/2018 là 87,39%; và OEE tháng 8/2019 là 94%; các tháng từ 10/2018 đến 6/2019 đều lớn hơn giá trị mục tiêu 85%, và giá trị OEE cao nhất là 94% vào tháng 8/2019.
  • Về hiệu quả đào tạo: phòng Cơ điện có khả năng đào tạo về TPM cho các phân xưởng khác trong công ty. Đã đào tạo nhân rộng cho phân xưởng Cơ khí số 1, và phân xưởng Cơ khí số 1 đã tự triển khai TPM (tự nhân rộng). Phòng Cơ điện đã đánh giá năng lực cho 100% (7/7 cán bộ phòng Cơ điện).
  • Về quản lý trực quan: Công ty đã và đang áp dụng 5S từ nhiều năm nên khi triển khai TPM, rất thuận lợi khi áp dụng các giải pháp quản lý trực quan đối với máy CNC tại dây chuyền nắp hông. Dễ dàng thấy được hướng dẫn vận hành, nhật ký máy, các điểm chú ý tại các máy. Qua 3 tháng triển khai TPM ban đầu, riêng hoạt động 5S được đẩy mạnh ở phạm vi toàn công ty, điển hình là khu vực đường đi nội bộ công ty với việc sơn kẻ vạch, quy định phương tiện và tốc độ tối đa được đi lại.

Mở rộng AM tại phân xưởng CK1 (ảnh trái), và kẻ lại vạch giao thông nội bộ (ảnh giữa và ảnh phải)

 

Hướng dẫn vận hành được quan sát tại máy và họp TPM

  • Về tác phong, nề nếp: các thành viên của khu vực thí điểm TPM (dây chuyền Nắp hông) đều tuân thủ việc ghi nhật ký sản xuất, thực hiện vệ sinh máy 10 phút mỗi sáng; và phòng Cơ điện thực hiện kiểm tra bất thường thiết bị hàng tuần.

Sau giai đoạn được hướng dẫn trong khuôn khổ hỗ trợ của Bộ Công Thương, Ban TPM cam kết sẽ tiếp tục duy trì TPM để mang lại các hiệu quả lớn hơn nữa cho công ty về cải tiến năng suất, chất lượng.

Nguồn: Vụ KH&CN

Tin mới