Chiều 4.12, tại Hà Nội, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng cùng các cơ quan thường trực đã tổ chức hội nghị Ban điều hành Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Hội nghị đã thông báo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ về việc thay đổi, bổ sung thành viên ban điều hành và báo cáo tình hình thực hiện chương trình quốc gia năng suất, chất lượng năm 2014, kết quả của giai đoạn 2011 – 2014 và kế hoạch hoạt động của năm 2015. Theo đó, Ban điều hành gồm có 13 thành viên do Bộ trưởng Bộ KHCN làm trưởng ban. Trong giai đoạn 2011 – 2014, đã có 4 dự án được thực hiện, bước đầu đạt được một số thành tựu. Trong đó, việc hỗ trợ cải tiến năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp được chú trọng. Tính đến 30.10.2014, đã có 704 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, hướng dẫn một số mô hình, công cụ trong nhóm: ISO 50001, ISO 31000, ISO 22000, ISO 9001, LEAN, MFCA, TPM, 7TOOL. Bên cạnh đó, chương trình đã xây dựng được tiêu chuẩn quốc gia phục vụ nâng cao năng suất chất lượng cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực của Việt Nam với 8.100 tiêu chuẩn cho 98 lĩnh vực; xây dựng đầy đủ và kịp thời các văn bản pháp lý cũng như đào tạo kiến thức chuyên sâu cho các doanh nghiệp…
Kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho chương trình trong các năm từ 2011 – 2014 khoảng 251 tỉ đồng, trong đó, Bộ KHCN thực hiện dự án 1 và 2 là 129 tỉ đồng, Bộ Công thương thực hiện dự án 3 là 14 tỉ đồng, các dự án địa phương khoảng 108 tỉ đồng. Hội nghị cũng bàn về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2015: Hoàn thành xây dựng và phê duyệt của tất cả bộ ngành địa phương; tích cực triển khai các dự án; đào tạo, hình thành mạng lưới chuyên gia chuyên nghiệp về năng suất chất lượng; lồng ghép với các chương trình ứng dụng đổi mới công nghệ… Để thực hiện các mục tiêu trên, kinh phí là một trong những vấn đề “nóng” được các đơn vị nêu ra. Theo đại diện Bộ Công thương: “Chương trình cần tăng nguồn tài chính cho các doanh nghiệp. Mục tiêu đưa ra nhiều nhưng nguồn tài chính hạn hẹp thì rất khó khả thi, một ví dụ cụ thể là nhiều mục tiêu đến năm 2015 hiện chưa đạt được, vậy nên chăng cần điều chỉnh để giai đoạn 2016 – 2020 khả quan hơn”. Về vấn đề này, đại diện Viện Năng suất hiến kế: “Chính sách cần tạo cơ chế cho doanh nghiệp trích quỹ từ thu nhập chịu thuế để sử dụng cho các chương trình cải tiến năng suất, vì hiện nay, tiền hỗ trợ của chương trình chỉ chiếm 20%-30% còn lại doanh nghiệp phải bỏ ra, nên nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà”.
http://laodong.com.vn