Kết quả chương trình hỗ trợ thí điểm áp dụng ISO 22000:2015 cho các DN chế biến thực phẩm của Bộ Công Thương năm 2017-2018

“Hỗ trợ thí điểm áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn ISO 22000:2005 cho các doanh nghiệp ngành chế biến thực phẩm” là một trong các nhiệm vụ thuộc khuôn khổ Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương được thực hiện trong năm 2017 và 2018. Công ty TNHH Tư vấn quản lý & phát triển doanh nghiệp Á Châu (AHEAD) là đơn vị chủ trì nhiệm vụ này.

Theo AHEAD, trong 2 năm qua, đơn vị đã tiến hành tư vấn cho 12 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng HTQL ISO 22000:2005. Trong đó có 03 doanh nghiệp ngành sản xuất rượu bia và đồ uống có cồn, các nhóm ngành sữa chế biến, nước giải khát, bánh kẹo đều có 02 doanh nghiệp và 01 doanh nghiệp ngành chế biến tinh bột và tinh bột.

Quá trình tư vấn xây dựng và áp dụng HTQL ISO 22000:2005 tại doanh nghiệp nhìn chung bao gồm 6 giai đoạn: 1) Khảo sát đánh giá thực trạng; 2) Tư vấn bố trí mặt bằng và thiết bị sản xuất; 3) Đào tạo nhận thức về ATTP và nội dung tiêu chuẩn ISO; 4) Hướng dẫn xây dựng hệ thống và áp dụng hệ thống; 5) Đào tạo, hướng dẫn đánh giá nội bộ và tổ chức đánh giá nội bộ và 6) Hướng dẫn khắc phục và cải tiến hệ thống. Thời gian cần thiết cho quá trình xây dựng và áp dụng tại các doanh nghiệp trên kéo dào từ 6 đến 12 tháng tùy vào sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực, mức độ phức tạp của sản phẩm và quá trình sản xuất…

Báo cáo về kết quả thực hiện Nhiệm vụ, đại diện của AHEAD cho biết: Nhận thức, quan điểm của các doanh nghiệp đã được nâng cao rõ rệt và các doanh nghiệp ý thức được việc sử dụng các tiêu chuẩn, công cụ quản lý để nâng cao năng suất chất lượng ngành công nghiệp nói chung và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp nói riêng. Cả 12 doanh nghiệp nhận hỗ trợ đã được đánh giá bởi các tổ chức chứng nhận độc lập và được cấp chứng chỉ ISO 22000:2005. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn thu được một số hiệu quả sau:

  • 100% doanh nghiệp giảm số lần vi phạm quy định về an toàn thực phẩm trong sản xuất, giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi trong sản xuất và nâng cao chỉ số nhận thức của CB-CNV;
  • 60% doanh nghiệp giảm số vụ thu hồi sản phẩm do không đảm bảo VS ATTP;
  • 50% doanh nghiệp điểm được cải thiện giảm số lượng phàn nàn của khách hàng liên quan đến chất lượng và VS ATTP;
  • 33% doanh nghiệp cải thiện được doanh thu và uy tín đối với khách hàng

Từ kinh nghiệm triển khai mô hình thí điểm tại 12 doanh nghiệp chế biến thực phẩm, AHEAD đề xuất tiếp tục nghiên cứu và xây dựng các mô hình chuẩn áp dụng ISO 22000 cho từng ngành, lĩnh vực sản xuất như sữa chế biến, bao bì thực phẩm, rượu – bia – nước giải khát, bánh kẹo… Các mô hình cần đi sâu nghiên cứu và đưa ra các yêu cầu cũng như hướng dẫn áp dụng riêng cho từng lĩnh vực sản xuất. Trong đó chú trọng nhấn mạnh những đặc thù cụ thể của ngành sản xuất, việc nhận biết các quá trình trọng yếu, phân tích các mối nguy, xác định các điểm kiểm soát tới hạn và thiết lập sơ bộ các biện pháp kiểm soát thích hợp.

Nguồn: EPRO

Tin mới