Kết quả áp dụng DMAIC và DMADV tại công ty CP sản xuất biến thế HBT Việt Nam

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương, công ty CP sản xuất biến thế HBT Việt Nam đã áp dụng tiếp cận DMAIC và DMADV trong Quản trị Tinh gọn – Lean Manufacturing nhờ đó công ty đã cải thiện hiệu quả thiết kế quá trình tạo sản phẩm cho một sản phẩm thí điểm.

Công ty CP sản xuất biến thế HBT Việt Nam là một trong 5 doanh nghiệp sản xuất máy biến áp hàng đầu Việt Nam. Mục tiêu của công ty là Xây dựng HBT trở thành một trong những nhà sản xuất máy biến thế phân phối hàng đầu Việt Nam và khu vực, thông qua chiến lược phát triển bền vững dựa trên 5 yếu tố cạnh tranh cốt lõi, đó là: Quy trình sản xuất kinh doanh khép kín; Hệ thống phân phối – bán lẻ đến tận tay người tiêu dùng; Thương hiệu hướng đến cộng đồng; Hệ thống quản trị và văn hoá doanh nghiệp đậm tính nhân văn; Tiên phong đầu tư đổi mới công nghệ để mang lại giá trị gia tăng cao nhất cho doanh nghiệp, người lao động và xã hội.

Công ty CP sản xuất biến thế HBT Việt Nam đã áp dụng các giải pháp đồng bộ như xây dựng 5S trong sản xuất; Áp dụng ISO trong quản trị điều hành; Xây dựng và truyền thông bộ quy tắc văn hoá HBT đến toàn thể CBCNV và khách hàng. Về công nghệ, công ty được các cơ quan chuyên ngành đánh giá cao về tính đột phá trong công nghệ chế tạo máy biến áp vô định hình siêu tiết kiệm tổn thất.

Trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương, công ty CP sản xuất biến thế HBT Việt Nam đã áp dụng tiếp cận DMAIC và DMADV vào thiết kế quá trình tạo sản phẩm.

Dự án tại Công ty Cổ phần sản xuất biến thế HBT Việt nam đã làm thay đổi một cách cơ bản quan điểm và cách tiếp cận đối với hoạt động thiết kế quá trình sản xuất (TKQTSX) trong doanh nghiệp và đi đến sự đồng thuận về tầm quan trọng của hoạt động này đối với các mục tiêu cơ bản QCD (chất lượng, chi phí và giao hàng) của doanh nghiệp. Công ty đã chẩn đoán một cách toàn diện và đáng tin cậy hiện trạng của doanh nghiệp; đã xây dựng được 1 kế hoạch cải tiến trung hạn nhằm dẫn dắt các kế hoạch cải tiến ngắn hạn và gắn kết với chiến lược phát triển của doanh nghiệp; các chủ đề cải tiến với ưu tiên ngắn hạn được triển khai một cách hiệu quả trong việc cải tiện thiện trạng và góp phần thay đổi kết quả về mức độ cạnh tranh trong nhóm yếu tố liên quan.

Các bộ phận tham gia vào dự án có được sự đồng thuận trong nhận thức về tiếp cận đa chức năng đối với hoạt động thiết kế quá trình tạo sản phẩm và vai trò của các công cụ quản lý dự án trong quá trình này.

Các chủ đề cải tiến cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, cả về tính hiệu suất (QCD) cũng như mục tiêu về năng lực thực hành chu trình DMADV/DMAIC và các công cụ cải tiến theo Six Sigma.

Các thay đổi về phương thức thực hành và kết quả thực hiện đều được tiêu chuẩn hóa vào các quy trình trong hệ thống quản lý chất lượng của doanh nghiệp.

Về đánh giá hiện trạng hoạt động thiết kế quá trình tạo sản phẩm (TKQTTSP), với các nhóm thông tin về phạm vi thiết kế quá trình tạo sản phẩm, công ty đã xác định được hiện trạng có nhiều điểm có tiềm năng cải thiện. Ban Kaizen của công ty đã đề xuất 20 chủ đề cải tiến, từ đó chọn 3 chủ đề để thực hiện.

Suốt quá trình triển khai, công ty HBT đã sử dụng từng bước tuân theo Hướng dẫn áp dụng DMADV và DMAIC trong thiết kế quá trình tạo sản phẩm tại các doanh nghiệp nhựa, điện và điện tử”, và đã đạt được các kết quả: Công ty đã xác định được các cơ hội (các chủ đề cần cải tiến), lựa chọn và lập kế hoạch triển khai 3 chủ đề, thực hiện 3 chủ đề cải tiến.

Ảnh. Kế hoạch thực hiện chủ đề cải thiện TKQTTSP theo tiếp cận DMADV

Chủ đề 1:  Vẽ sơ đồ dây chuyền sản xuất lõi tôn Máy biến áp 3 pha tôn Silic. Hiệu quả: Có sơ đồ mới, bổ sung thêm nhiều công đoạn Tạm trữ và Vận chuyển. Và Hiệu quả gián tiếp: Tăng tỷ lệ Đạt kế hoạch (tăng từ trung bình 7,7% số ngày của tháng 9 đạt kế hoạch lên 38% số ngày của tháng 12/2020 đạt kế hoạch).

Chủ đề 2:  Làm Biểu mẫu Báo cáo chất lượng hàng tháng cho sản phẩm MBA 3 pha (nhằm quản lý các kết quả mục tiêu cho mức độ thực hiện chất lượng sản phẩm tại công ty HBT). Hiệu quả: Có biểu mẫu Báo cáo chất lượng máy biến áp hàng tháng và đồng bộ thống nhất cho sản phẩm MBA 3 pha; Biểu mẫu có Biện pháp khắc phục tạm thời và có 1 cột về Bài học cho lần Thiết kế quá trình SX kế tiếp (đã đánh giá tăng điểm mục 7.1, 7.4 và 8.2 nhờ hoạt động này).

Chủ đề 3:  Xác định OEE của máy Cuốn dây, và cung cấp số liệu kết quả phân tích OEE làm dữ liệu đầu vào quan trọng cho lập kế hoạch Sản xuất (qua đó tăng điểm cho mục 3.3). Hiệu quả: Đã thu thập số liệu, và đã tính được OEE cho máy Cuốn dây. OEE ban đầu: 64% (tháng 9/2020) đã tăng lên 86,1% tháng 12/2020 (có ngày OEE đạt 96,9%). Tỷ lệ OEE trung bình của máy Cuốn dây được sử dụng làm dữ liệu đầu vào quan trọng cho lập kế hoạch Sản xuất

Sau khi thực hiện cải tiến, công ty HBT có tăng điểm về các câu hỏi trong lĩnh vực Hoạch định nhịp sản xuất và năng suất, Kết quả thiết kế quá trình tạo sản phẩm, Rút kinh nghiệm, học tập và cải tiến và Ưu tiên cải tiến hoạt động thiết kế quá trình tạo sản phẩm của công ty.

Dựa trên các kết quả đạt được, trong năm 2021, công ty sẽ củng cố các kết quả đạt được của chủ đề cải tiến theo tiếp cận DMAIC và tìm biện pháp nhân rộng với các mã hàng khác đang sản xuất; và được kiến nghị sẽ kiện toàn cơ cấu nhân sự nhóm đa chức năng tham gia vào các dự án thiết kế quá trình sản xuất. Trên cơ sở đó hoạch định nhu cầu năng lực và có kế hoạch phát triển năng lực cần thiết cho các thành viên của nhóm. Đặc biệt lưu ý đến năng lực thực hiện 5 công cụ trọng tâm (5 core tools).

Nguồn: P&Q Solution

 

 

Tin mới