KAS thảo luận về chính sách thúc đẩy gia tăng năng suất lao động tại Việt Nam

Viện Konrad – Adenauer Stiftung (KAS) là một tổ chức chính trị của Đức có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng và hoạch định chính sách, chuyên tổ chức các chương trình giáo dục và hội thảo liên quan đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học và xã hội.

Mới đây, vào ngày 26/9 tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) của trường Đại học Quốc gia Hà Nội đã phối hợp cùng Viện Konrad – Adenauer Stiftung để tổ chức buổi đối thoại chính sách nhằm mục đích tăng năng suất lao động cho Việt Nam.

Ông Peter Girke, Trưởng Đại diện Viện KAS tại Việt Nam cho biết, nền kinh tế của Việt Nam đã phát triển một cách liên tục và đạt được những thành tựu lớn. Năng suất lao động bình quân của Việt Nam tăng từ 38,64 triệu đồng/lao động năm 2006 lên mức 60,73 triệu đồng/lao động năm 2017. Tốc độ tăng trưởng bình quân năng suất lao động giai đoạn 2012 – 2017 là 5,3%. Đặc biệt, năm 2015 tăng trưởng năng suất lao động đạt tốc độ cao nhất với 6,49%. Tuy nhiên, năm 2015, năng suất lao động ngành của Việt Nam hầu hết vẫn ở mức thấp nhất trong tương quan so với các nước so sánh. Lấy ví dụ như năng suất lao động của Việt Nam năm 2015 vẫn xếp sau Campuchia ở ba ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng, vận tải, kho bãi và truyền thông.

Mặt khác, kết nối cung cầu trên thị trường lao động nước ta còn nhiều bất cập. Tình trạng thất nghiệp ở nhóm lao động trẻ hoặc không phù hợp giữa công việc và trình độ đào tạo còn khá phổ biến. Việc khai thác, sử dụng lao động đã làm việc và học tập ở nước ngoài trở về nước còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành kỷ luật lao động không cao; lao động thiếu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ hạn chế. Đây chính là rào cản lớn cho việc cải thiện NSLĐ.

Để nâng cao NSLĐ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, Chính phủ và các Bộ, ngành cần xác định việc tạo lập và thực thi chính sách nhằm nâng cao năng suất lao động là giải pháp quan trọng hàng đầu trong nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.

Theo PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, đây là thời điểm Việt Nam cần xây dựng phong trào tăng năng suất lao động giống như Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc đã từng thực hiện trong giai đoạn trước đây. Không chỉ coi năng suất là vấn đề trong doanh nghiệp mà khu vực các cơ quan nhà nước và người dân cần đổi mới tư duy, lối sinh hoạt theo hướng tích cực, từ đó năng suất làm việc sẽ được nâng lên.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới