“Sự hỗ trợ kỹ thuật của Nhật Bản đã giúp các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Pakistan cải thiện năng suất và chất lượng sản phẩm theo yêu cầu của thế giới. Vì vậy các doanh nghiệp này đã có được sự chuẩn bị tốt cho thị trường xuất khẩu.”
Đó là phát biểu của ông Fuad Hashim Rabbani, Giám đốc điều hành của Tổ chức phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDA) Pakistan trong buổi lễ được tổ chức tại Karachi vào ngày 03/8/2017. Đây là lễ kỷ niệm kết thúc giai đoạn đầu tiên của dự án hợp tác hỗ trợ kỹ thuật sản xuất phụ tùng ô tô giữa JICA và SMEDA.
Ông Fuad Hashim cho biết ngành ô tô là một trong những ngành phát triển nhanh chóng ở Pakistan. Ngành này tạo ra nhiều việc làm và thu nhập, đóng góp đáng kể vào nền kinh tế quốc gia. Ông đánh giá cao các nhà sản xuất địa phương đã chấp nhận thách thức trong việc sản xuất phụ tùng ô tô tuân thủ các tiêu chuẩn được thiết lập bởi nhà sản xuất phụ tùng gốc (OEMs).
Giám đốc điều hành SMEDA cũng thừa nhận rằng, với sự hỗ trợ của JICA, công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô địa phương đã cải thiện được khả năng cạnh tranh về chất lượng, chi phí và tính linh hoạt của hệ thống sản xuất.Ông Fuad Hashim cũng bày tỏ sự hài lòng về kết quả giai đoạn 1 của dự án hợp tác giữa SMEDA và JICA. Đó là hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm trong ngành công nghiệp phụ tùng ô tô Pakistan được cải thiện đáng kể.
Giám đốc điều hành SMEDA đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất phụ tùng ô tô Pakistan (PAAPAM) trong việc thực hiện các biện pháp cắt giảm lãng phí trong sản xuất được đề xuất bởi các chuyên gia Nhật Bản. Ông tin tưởng rằng trong khuôn khổ dự án này, nhiều nhà sản xuất phụ tùng ô tô sẽ nổi lên trong hoạt động Năng suất và Chất lượng như Công ty Role Model.
Ông Yoshihisa Onoe, đại diện cao cấp của JICA, trong bài phát biểu của mình, cam kết tiếp tục hỗ trợ các bí quyết kỹ thuật và kỹ thuật sản xuất hiện đại cho ngành công nghiệp của Pakistan nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới. Ông cho biết để thực hiện dự án hỗ trợ kỹ thuật ngành phụ tùng ô tô của Pakistan, một nhóm các chuyên gia Nhật Bản có kinh nghiệm hơn 40 năm trong ngành công nghiệp ô tô đã được đưa đến Pakistan trong một thời gian dài lên đến 4 năm.
Ông thừa nhận rằng sự hợp tác của JICA với SMEDA được chứng minh là rất hữu ích cho ngành công nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô tại địa phương. Ông rất vui khi thấy rằng năng suất của ngành đã tăng lên đến đáng kể, và số sản phẩm bị khách hàng trả lại đã giảm xuống mức thấp nhất có thể.
Ông nói, “Các DNVVN tham gia vào dự án có tiềm năng lớn trong cạnh tranh trên thị trường thế giới” và ông cũng nhấn mạnh sẽ đảm bảo mở rộng sự hỗ trợ của JICA nhằm phổ biến các kỹ thuật tốt nhất được thực hiện trong lĩnh vực ô tô của các nước phát triển.”
Mashood Ali Khan, Chủ tịch PAAPAM đánh giá cao sáng kiến hợp tác kỹ thuật của JICA và SMEDA. Ông nói rằng các thành viên của PAAPAM đã nhận được nhiều hỗ trợ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Ông kêu gọi SMEDA và JICA tiếp tục triển khai chương trình này trong thời gian tới. Ashfaq Ahmad, Phó Tổng Giám đốc chương trình Hỗ trợ Công nghiệp của SMEDA, trong bài phát biểu của mình, thông báo rằng trong nhiệm kỳ đầu của dự án, thông qua sự hỗ trợ kỹ thuật từ 5 chuyên gia JICA, đã có 22 nhà máy, trong đó có 10 nhà máy từ Lahore và 12 nhà máy từ Karachi đã được hưởng lợi.
“22 nhà máy đã được lựa chọn trong tổng số 39 đơn vị đề cử bởi PAAPAM và các OEM. Mỗi nhà máy đều được thiết lập các chỉ số KPI để theo dõi hiệu quả khi áp dụng các kỹ thuật từ Nhật Bản như 5S, 5T, 4M…” ông Ashfaq Ahmad cho biết thêm.
Văn phòng NSCL tổng hợp