ISO 50001: Giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh

Hiện nay, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp. Thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001 được coi là giải pháp hữu hiệu, không chỉ góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và uy tín của mình trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. 

Để tìm hiểu rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đào Hồng Thái – Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Hà Nội (ECC Hanoi).

Thưa ông, cùng vơi các bộ công cụ quản lý khác trong doanh nghiệp, ISO 50001 được xem là góp phần thay đổi căn bản năng suất và chất lượng của sản phẩm, ông nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

Tiêu chuẩn ISO 50001 được thiết kế dựa trên nguyên tắc tiếp cận quen thuộc, đó là mô hình quản lý theo chu trình PDCA (Hoạch định – Thực hiện – Kiểm tra – Cải tiến). Vì thế, nó bảo đảm tính tương thích tối đa với các tiêu chuẩn về hệ thống quản lý phổ biến khác như ISO 14001:2004, ISO 9001:2008, ISO 22000:2005… Thêm vào đó, thông qua việc đưa ra các yêu cầu đối với một hệ thống quản lý năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 50001 góp phần quan trọng trong việc sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, do đó mang lại những lợi ích đáng kể cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả đòi hỏi thiết bị máy móc phải có hiệu suất năng lượng cao, đồng nghĩa doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ. Như vậy, doanh nghiệp không chỉ cải thiện được vấn đề sử dụng năng lượng mà còn cải thiện được năng suất và chất lượng của sản phẩm. Hay nói cách khác năng suất, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp được nâng lên thì chỉ số năng lượng của doanh nghiệp giảm xuống. Đây là tác động qua lại lẫn nhau, khi năng lượng giảm thì năng suất chất lượng sản phẩm tăng nhưng chi phí sản xuất tính trên 1 đơn vị sản phẩm lại giảm xuống.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Tăng trưởng xanh, Đề án Sản xuất và tiêu dùng bền vững…  đồng thời đã và đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, những doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh có suất tiêu hao năng lượng thấp hơn sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế và uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp cũng vì thế mà được nâng lên.

Vậy để ISO 50001 được áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, chúng ta cần phải có những hỗ trợ như thế nào cho các doanh nghiệp, thưa ông?

Trong một sân chơi toàn cầu, chúng ta phải tuân thủ luật pháp và thông lệ quốc tế nhằm tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp, nhà nước chỉ có thể hỗ trợ doanh nghiệp về mặt kỹ thuật và nguồn nhân lực. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa thể áp dụng ISO 50001 là do thiếu nguồn nhân lực. Để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ đã đồng ý xây dựng 2 trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Ở Hà Nội, hiện Trung tâm đào tạo cán bộ quản lý năng lượng đang được xây dựng tại Khu công nghệ cao Láng Hòa Lạc, dự kiến đến năm 2018 sẽ đi vào hoạt động. Trung tâm này đi vào hoạt động sẽ kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo cán bộ quản lý năng lượng. Khi các doanh nghiệp có nguồn nhân lực rồi thì tôi tin rằng, ISO 50001 sẽ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baocongthuong.com.vn

Tin mới