Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 là hành động nằm trong Chương trình Quốc gia nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho các doanh nghiệp đến năm 2020 (QĐ 712/QĐ-TTg) với nhiệm vụ “nhân rộng áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 cho các doanh nghiệp cơ khí chế tạo; điện – điện tử; sản xuất nông nghiệp, chế biến thực phẩm”.
Cũng giống như các tiêu chuẩn khác, ISO 31000 được cập nhật sau mỗi vài năm với phiên bản ISO 31000: 2018 (năm 2018) là phiên bản mới nhất. ISO 31000: 2018 mô tả các hướng dẫn và cung cấp các nguyên tắc, khuôn khổ và quy trình quản lý rủi ro. ISO 31000 có thể được sử dụng trong các tổ chức bất kể quy mô, hoạt động hoặc ngành công nghiệp. Sử dụng ISO 31000 có thể giúp các tổ chức tăng khả năng đạt được các mục tiêu, cải thiện việc xác định các cơ hội và các mối đe dọa và phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xử lý rủi ro.
Cuối tháng 09/2019, Trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vừa tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 cho các doanh nghiệp Việt Nam tại khu vực Miền Nam.
Ông Bùi Xuân Phong – Chuyên gia Năng suất chất lượng của Tổng cục TCĐLCL nhận định, rủi ro sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp kéo theo những hậu quả về hiệu quả kinh tế, về môi trường và an toàn xã hội. Do đó, quản lý rủi ro hiệu quả sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn trong môi trường đầy biến động hiện nay.
Tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình vận hành của công ty là điều cần thiết, giúp cho bộ phận quản lý hiểu rõ phạm vi rủi ro mà công ty đang phải đối mặt. Quản lý rủi ro cần phải bám sát tình hình thực tế diễn ra của từng doanh nghiệp. Từ đó sẽ có những nhận định và hướng đi đúng đắn thực sự phù hợp cho doanh nghiệp.
Việc áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 sẽ cung cấp các hướng dẫn rõ ràng và ngắn gọn giúp các doanh nghiệp sử dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để cải tiến trong hoạch định và ra quyết định tốt hơn. Nhờ đó, tập trung vào nhiều vấn đề mang chiều sâu hơn như rà soát các nguyên tắc quản lý rủi ro, tập trung vào việc lãnh đạo.
Trong nền kinh tế hiện đại đầy biến động, sự thành công của doanh nghiệp luôn song hành với những khó khăn và thử thách, có thể là rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, hay rủi ro về công nghệ kỹ thuật, rủi ro về sức khỏe, an toàn lao động, … Tất cả những rủi ro đó đều có ảnh hưởng đến hoạt động chung của doanh nghiệp. Vì vậy, áp dụng ISO 31000:2018 là giải pháp mang tính chiến lược trong việc quản lý rủi ro cho doanh nghiệp, có thể áp dụng cho bất kỳ rủi ro nào từ tích cực hay tiêu cực; hay đến các loại hình doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng, nhóm hoặc cá nhân… Quản trị rủi ro đang dần trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược phát triển của các doanh nghiệp.
Văn phòng NSCL tổng hợp