ISO 31000:2018: Thành công từ mô hình của IFC

Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viễn thông (IFC) hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu phát triển và sản xuất chế tạo các sản phẩm phần cứng, phần mềm ứng dụng trong các lĩnh vực điện tử- viễn thông, công nghệ thông tin, tự động hóa… Trong quá trình phát triển, nhờ áp dụng tiêu chuẩn ISO 31000:2018 đã giúp cho công ty hạn chế được rủi ro và tránh lãng phí.

Hạn chế rủi ro, tránh lãng phí

Được thành lập từ năm 2004, IFC có 15 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo thiết bị, cung cấp giải pháp, triển khai dịch vụ, vận hành bảo trì bảo dưỡng các hệ thống thu thập dữ liệu công tơ điện tử (AMR), Hệ thống giám sát điều khiển SCADA/EMS/DMS, điều khiển hệ thống chiếu sáng đô thị (SmartLight) và vận hành quản lý hệ thống ở quy mô lớn với chất lượng hàng đầu tại Việt Nam.

Nhờ áp dụng ISO 31000:2018 theo chương trình năng suất chất lượng quốc gia (theo Quyết định 712); được các chuyên gia năng suất của trung tâm Thông tin – Truyền thông Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tư vấn; IFC trở thành một công ty phát triển bền vững, dẫn đầu thị trường trong lĩnh vực tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin tại Việt Nam. IFC đã xây dựng hạ tầng thông tin và các ứng dụng thông minh đóng góp cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước phù hợp xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước thực hiện mục tiêu quản lý năng lượng, tối ưu hóa nguồn lực, đồng thời kết nối ý tưởng để tạo nên các sản phẩm hữu ích trong chuỗi giá trị phục vụ dân sinh.

IFC có đội ngũ trên 100 nhân viên tại 3 Trung tâm Miền (Bắc, Trung, Nam) và hàng trăm cộng tác viên tại các tỉnh, thành phố. Nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh của một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu công tơ điện tử (AMR) và các giải pháp tự động hóa, điều khiển thông minh, IFC luôn lấy công tác nghiên cứu và phát triển làm nòng cốt để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng hoàn hảo và khác biệt. IFC đã cung cấp dịch vụ thu thập số liệu công tơ điện tử (AMR) với quy mô hàng trăm nghìn điểm đo tại 7 Công ty và Tổng Công ty Điện lực trên toàn quốc.

Đối với các doanh nghiệp hướng đến mục tiêu sử dụng hệ thống thông minh để quản lý năng lượng và tối ưu hóa nguồn lực thì IFC là sự lựa chọn hoàn hảo. Căn cứ vào tình hình hoạt động của công ty, nguồn lực hiện có, ban lãnh đạo công ty áp dụng hệ thống quản trị rủi ro theo Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 “Cung ứng thiết bị và hệ thống: điện, viễn thông, công nghệ thông tin, điều khiển đo đếm; sản xuất và cung ứng thiết bị đầu cuối viễn thông, thiết bị vô tuyến, thiết bị PCL”.

Ban lãnh đạo công ty cho biết, nhờ quyết tâm cao trong việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro theo tiêu chuẩn ISO 31000:2018 giúp cán bộ nhân viên có trình độ chuyên môn, làm việc trong lĩnh vực Công nghệ thông tin luôn luôn tiếp cận các vấn đề mới. Trong quá trình làm việc, công ty cũng thường xuyên có các yêu cầu bảo mật trên nền tảng tiếp cận các rủi ro về công nghệ thông tin nên việc cập nhật cũng gặp nhiều thuận lợi. Quy mô của Công ty ở mức vừa và nhỏ, khối lượng công việc liên quan đến việc xây dựng hệ thống được kiểm soát tốt.

Ông Mai Phước Long- Phó giám đốc Công ty IFC khẳng định, tiêu chuẩn ISO 31000:2018 là công cụ hỗ trợ quan trọng trong việc kiểm soát các rủi ro trong hoạt động của công ty. “Tiêu chuẩn là căn cứ để công ty tiếp cận các công việc dựa trên các rủi ro và cơ hội. Trong tương lai, công ty căn cứ vào các nguồn lực tiếp tục áp dụng tiêu chuẩn ISO 3100:2018 cho các hoạt động khác như chất lượng, năng lượng, môi trường…”- ông Long nói.

Việc áp dụng ISO 31000 và thực trạng công tác quản lý rủi ro tại các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, theo Chuyên gia năng suất chất lượng của Tổng cục TCĐLCL , rủi ro ảnh hưởng rất nhiều đến các tổ chức, có thể gây những hậu quả về hiệu quả kinh tế và danh tiếng chuyên nghiệp, cũng như về môi trường, an toàn xã hội. Do đó, quản lý rủi ro hiệu quả sẽ giúp các tổ chức hoạt động tốt trong môi trường đầy bất trắc. Quản lý rủi ro không thể chỉ là lý thuyết trên giấy, không chỉ là nhận biết để tránh phải đối mặt với những rủi ro. Các doanh nghiệp lớn nếu không khéo sẽ biến những lý thuyết về rủi ro chỉ mãi là lý thuyết riêng biệt xa rời với những rủi ro thực tế mà họ phải đối mặt. Quản lý rủi ro cần phải bám sát tình hình thực tế đang diễn ra của công ty.

Sự tích hợp quản lý rủi ro vào quy trình vận hành của công ty là điều cần thiết. Điều này giúp các nhà quản lý hiểu rõ phạm vi rủi ro mà công ty đang phải đối mặt bằng cách xác định lĩnh vực rủi ro chính, đánh giá khả năng rủi ro. Từ đó sẽ có những kế hoạch giảm nhẹ hoặc tận dụng ngược lại các rủi ro. Ngoài ra, đối với tổ chức thực hiện hiệu quả ISO 31000, việc quản lý rủi ro mang lại những ưu điểm như: Tạo ra và bảo vệ giá trị; là một phần không thể tách rời của tất cả các quy trình tổ chức; là một phần của việc ra quyết định; rõ ràng, giải quyết sự không chắc chắn; có hệ thống, có cấu trúc và kịp thời; dựa trên thông tin có sẵn tốt nhất và được thiết kế riêng; Bên cạnh đó, đưa các yếu tố con người và văn hóa vào công ty, thể hiện sự minh bạch và toàn diện; năng động, tính chất lặp đi lặp lại, đáp ứng với sự thay đổi và tạo điều kiện cho việc cải tiến liên tục của tổ chức.

Tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000:2018 vừa được ban hành sẽ cung cấp các hướng dẫn rõ ràng hơn và ngắn gọn hơn nhằm giúp các tổ chức sử dụng các nguyên tắc quản lý rủi ro để cải tiến việc hoạch định và ra các quyết định tốt hơn.

Nguồn: Tổng cục TCĐLCL

Tin mới