ISO 31000:2018 – “bảo bối” song hành cùng Công ty TNHH lắp máy Bình Minh

Ông Bùi Xuân Liên – Giám đốc Công ty TNHH Lắp máy Bình Minh cho hay, ISO 31000:2018 góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của công ty suốt nhiều năm qua.

Nhờ áp dụng ISO 31000:2018 theo chương trình Năng suất chất lượng quốc gia (theo Quyết định 712); được các chuyên gia năng suất của trung tâm Thông tin – Truyền thông tiêu chuẩn đo lường chất lượng tư vấn không chỉ giúp Công ty hạn chế được rủi ro, tránh lãng phí mà còn nâng cao tay nghề của cán bộ, công nhân viên công ty, giúp môi trường làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả cao.

Ông Bùi Xuân Liên – Giám đốc Công ty TNHH Lắp máy Bình Minh đánh giá rất cao vai trò của tiêu chuẩn ISO 31000:2018 trong hoạt động của Công ty mình. Theo ông, trong quá trình thực hiện các dự án, việc đánh giá mối nguy về an toàn theo tiêu chuẩn ISO 3100:2018 theo phạm vi áp dụng đã giúp Công ty kiểm soát được công tác an toàn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng cũng như các văn bản pháp lý. Nhận thực của người lao động ngày càng được nâng cao.

“ISO 31000:2018 đã giúp ban lãnh đạo có quyết tâm cao trong việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro. Trước đây, Công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015 qua nhiều chu kỳ nên nắm được cách thức kiểm soát hệ thống. Từ ngày áp dụng ISO 31000:2018, cán bộ nhân viên Công ty có tính cầu thị cao, được đào tạo bài bản và tham gia vào các dự án lớn một cách tích cực, chuyên nghiệp, nhân sự ổn định, có sự gắn bó lâu dài. Nhờ ISO 31000:2018 mà tập thể Công ty trở thành tập thể đoàn kết hơn, hoạt động trao đổi công việc thực hiện nhanh chóng, đảm bảo xử lý các công việc chuyên môn được giao một cách bài bản và khoa học”, ông Liên nói.

Tuy nhiên ông Liên cũng chia sẻ, khi mới thực hiện áp dụng ISO 31000:2018 công ty cũng gặp một vài khó khăn. Chẳng hạn, do thực hiện các hoạt động thi công, nên mặt bằng trải rộng. Khách hàng của Công ty thuộc nhiều loại hình khác nhau nên đòi hỏi những yêu cầu khác nhau.

Trong quá trình thi công, do có sử dụng nhiều lao động thời vụ nên việc chấp hành các rủi ro về an toàn còn hạn chế. “Sau thời gian đầu mới áp dụng ISO 31000:2018, chúng tôi đã khắc phục được hầu hết các hạn chế. Và đến thời điểm hiện tại có thể khẳng định, ISO 31000:2018 đã song hành, không thể thiếu và là công cụ then chốt trong bước đường phát triển của công ty chúng tôi hiện tại, và trong tương lai”, ông Liên nhấn mạnh.

Không chỉ riêng Công ty TNHH Lắp máy Bình Minh mà Tiêu chuẩn ISO 31000:2018 còn được các chuyên gia coi là “bảo bối” giúp các doanh nghiệp, tổ chức quản lý rủi ro dễ dàng. Bởi ISO 31000: 2018 tập trung vào nhiều vấn đề mang chiều sâu có nhiều điểm ưu việt hơn như rà soát các nguyên tắc quản lý rủi ro; tập trung vào việc lãnh đạo bởi ban lãnh đạo chính là bộ phận đảm bảo rằng, quản lý rủi ro được tích hợp vào tất cả các hoạt động của tổ chức, bắt đầu từ việc quản trị tổ chức; nhấn mạnh hơn vào tính chất lặp đi lặp lại của quản lý rủi ro, dựa trên kinh nghiệm, kiến thức và phân tích mới cho việc sửa đổi các yếu tố quá trình, hành động và kiểm soát ở từng giai đoạn của quy trình; tinh giản nội dung với sự tập trung nhiều hơn vào việc duy trì mô hình hệ thống mở, thường xuyên trao đổi thông tin phản hồi với môi trường bên ngoài của tổ chức để phù hợp với nhiều nhu cầu và bối cảnh.

Ông Jason Brown, Trưởng ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn ISO/TC 262 (Ban kỹ thuật ISO) cho biết: “Phiên bản sửa đổi ISO 31000:2018 tập trung vào việc tích hợp với tổ chức và vai trò của các nhà lãnh đạo và trách nhiệm của họ. Các nhà thực hành về rủi ro thường không tham gia trực tiếp vào hoạt động quản lý tổ chức, và sự nhấn mạnh này sẽ giúp họ chứng minh quản lý rủi ro là phần không thể tách rời trong hoạt động kinh doanh”.

Cũng theo đại diện Ban Kỹ thuật ISO, mỗi phần của tiêu chuẩn được xem xét trên cơ sở rõ ràng, sử dụng ngôn ngữ đơn giản để tạo điều kiện hiểu và làm cho nội dung của Tiêu chuẩn có thể tiếp cận được với tất cả các bên liên quan. Phiên bản năm 2018 tập trung nhiều hơn vào việc tạo ra và bảo vệ giá trị làm động lực chính trong quản lý rủi ro và các nguyên tắc liên quan khác như cải tiến liên tục, bao gồm các bên liên quan, được tùy chỉnh cho tổ chức và xem xét các yếu tố nhân văn và văn hoá.

Rủi ro hiện được định nghĩa là “ảnh hưởng của sự không chắc chắn về mục tiêu”, tập trung vào hiệu quả của việc hiểu biết chưa đầy đủ về các sự kiện hoặc hoàn cảnh đối với việc ra quyết định của tổ chức. Điều này đòi hỏi sự thay đổi hiểu biết truyền thống về rủi ro, buộc các tổ chức điều chỉnh sự quản lý rủi ro theo nhu cầu và mục tiêu – lợi ích quan trọng của tiêu chuẩn.

Ông Jason Brown cũng giải thích: “Tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000 cung cấp khuôn khổ quản lý rủi ro để hỗ trợ mọi hoạt động, bao gồm cả việc ra quyết định ở tất cả các cấp của tổ chức. Khuôn khổ của ISO 31000 và các quá trình cần được tích hợp với các hệ thống quản lý để đảm bảo sự nhất quán và hiệu quả của việc kiểm soát quản lý trong tất cả các lĩnh vực của tổ chức”.

Các nội dung này bao gồm chiến lược và lập kế hoạch, khả năng phục hồi của tổ chức, công nghệ thông tin, quản trị doanh nghiệp, nhân sự, tuân thủ, chất lượng, sức khoẻ và an toàn, tính liên tục trong kinh doanh, quản lý khủng hoảng và an ninh. Tiêu chuẩn quốc tế ISO 31000:2018 cung cấp các hướng dẫn chứ không phải các yêu cầu, do đó Tiêu chuẩn này không dành cho mục đích chứng nhận. Điều này cho phép các nhà quản lý linh hoạt để thực hiện các tiêu chuẩn một cách phù hợp với nhu cầu và mục tiêu của tổ chức của họ.

Ông Brown cho biết, mục tiêu chính của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn ISO/TC 262 là giúp các tổ chức đảm bảo khả năng tồn tại và thành công của họ trong thời gian dài vì lợi ích của tất cả các bên liên quan bằng cách cung cấp thực hành quản lý rủi ro tốt.

Nguồn: Tổng cục TCĐLCL

Tin mới