Hội thảo “Viễn cảnh năng suất chất lượng năm 2015 và tiếp theo: Tinh gọn hóa để cạnh tranh thành công”

Ngày 23/01/2015, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phía Bắc thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn giải pháp quản lý năng suất chất lượng tổ chức hội thảo “Viễn cảnh năng suất chất lượng năm 2015 và tiếp theo: Tinh gọn hóa để cạnh tranh thành công”.

Tại hội thảo về Viễn cảnh năng suất chất lượng năm 2015 tổ chức ngày 23/1, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, cho biết năng suất lao động của Việt Nam năm 2014 tính theo giá thực tế đạt 74,3 triệu đồng/người, tăng 4,35% so với năm 2013.

Tính bình quân trong giai đoạn 2011-2014, năng suất lao động của Việt Nam đạt 63,31 triệu đồng/người.

ll

Ông Tuấn xác nhận thông tin năng suất lao động của Việt Nam kém Singapore 15 lần là có thực, giải thích rằng đó là cách tính năng suất lao động năm 2012 theo số liệu của Tổ chức năng suất Châu Á (APO). Và nếu tính theo cách đó, năng suất lao động của Việt Nam chỉ ngang với Lào, và cao hơn một số nước như Myanmar, Campuchia, Bangladesh hay một số nước Châu Phi.

“Việt Nam trải qua bao nhiêu năm có thành tích tăng trưởng rất tốt, nhưng bây giờ so sánh số liệu một cách cụ thể mới thấy năng lực thực tế của mình rất yếu kém,” ông Tuấn nói trong bài phát biểu tại hội thảo.

Bàn về khái niệm về năng suất lao động, ông Tuấn giải thích thêm rằng chỉ tiêu thường dùng là lấy sản phẩm làm ra chia cho số lao động, hoặc giá trị làm ra tính bằng doanh thu chia cho lao động, hoặc lấy giá trị tăng thêm chia cho lao động. Tuy nhiên, để mang so sánh thì chỉ dùng chỉ tiêu giá trị gia tăng làm được chia cho số lao động. Với tiêu chí đó, ông giải thích thêm rằng năng suất lao động toàn xã hội của Việt Nam thấp vì nước ta hiện nay có nhiều ngành nghề sử dụng nhiều lao động mà giá trị gia tăng thấp.

Cải thiện năng suất lao động: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Theo vị Viện trưởng VNPI, chúng ta có thể học hỏi cách cải thiện năng suất của một số nước có năng suất lao động cao như Singapore hay Nhật Bản. Năng suất chất lượng của các nước này được các lãnh đạo cấp cao cho đến lãnh đạo doanh nghiệp, người lao động cho đến các chuyên gia cùng vào cuộc để tìm cách thúc đẩy.

Ngoài ra, các nước đó còn quan tâm đến vấn đề tạo ra việc làm, tìm kiếm giải pháp nâng cao năng suất cho từng ngành nghề, và chia sẽ thành quả về nâng cao năng suất.

Ở Việt Nam, từ sau sự kiện ILO công bố năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/15 Singapore, Chính phủ và công chúng mới đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Ông Tuấn cho rằng ở Việt Nam cũng cần có sự tham gia của toàn xã hội. Riêng đối với các doanh nghiệp, cần áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng quản lý, xây dựng 1 môi trường làm việc để người lao động chủ động nâng cao năng suất, hiệu quả.

Ngoài ra, cũng cần tập trung đến vấn đề thị trường. Sản phẩm nếu không có đầu ra ổn định, chúng ta làm ra không bán được, thì giá trị tăng thêm không thể cao được. Những chiến lược như nâng cao chuỗi cung ứng một cách ổn định mới có thể cải tiến năng suất.

Mặt bằng thấp sẽ giúp Việt Nam cải thiện năng suất nhanh hơn

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Đồng Hành bên lề hội thảo về kỳ vọng đối với năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng nếu chúng ta cùng bàn 1 kế hoạch phù hợp và các doanh nghiệp cùng tham gia nhiệt tình, chắc chắn chúng ta sẽ nâng cao được năng suất lao động của Việt Nam, sẽ có những bước đột phá trong thời gian tới.

Mặc dù các nước khác cũng đang thực hiện các chương trình về năng suất, nhưng cơ hội cải thiện năng suất của Việt Nam nhiều hơn họ vì chúng ta có mặt bằng năng suất ở mức thấp. Trả lời câu hỏi về việc Chính phủ đang tìm cách thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân có tạo đà cho cải thiện năng suất không, ông Tuấn cho rằng điều đó là chắc chắn.

“Từ Chính phủ, Trung ương Đảng, đặc biệt là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh là một trong những người tâm huyết với định hướng đó. Tôi tin rằng trong thời gian tới sẽ thay đổi,” ông Tuấn nói.

hotrodoanhnghiep.gov.vn

Tin mới