Nằm trong chương trình “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành Công Thương” năm 2016, trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội đã được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ xây dựng mô hình triển khai sản xuất tinh gọn Lean tại các Doanh nghiệp may. Cuối tháng 10 vừa qua, Trường đã tổ chức hội thảo nhằm phổ biến và nhân rộng kết quả thực hiện nhiệm vụ. Hội thảo đã thu hút sự tham gia của hơn 80 đại biểu đến từ 40 doanh nghiệp ngành may.
Ông Hoàng Xuân Hiệp, hiệu trưởng nhà trường đã phát biểu khai mạc hội thảo. Bài phát biểu đã nêu những cơ hội và thách thức đối với ngành dệt may khi tham gia TPP và các FTA trong thời gian tới, phân tích ba công cụ cạnh tranh hữu hiệu mà doanh nghiệp dệt may nên tận dụng trong thời kỳ hội nhập trong đó có công cụ năng suất lao động.
Trong phần chính của hội thảo, Thạc sĩ Chu Thị Mai Hương, đại diện cho nhóm nghiên cứu trình bày quy trình triển khai LEAN bao gồm 4 công đoạn, 14 bước công việc do Nhà trường phát triển. Nội dung đã làm rõ những bước công việc trọng yếu như lựa chọn con người tham gia LEAN, tập huấn quy trình triển khai LEAN, quy trình triển khai 5S, quy trình rải chuyền, quy trình cân bằng chuyền trong LEAN, phương pháp duy trì LEAN…Đồng thời Thạc sĩ Chu Thị Mai Hương cũng đã trình bày kết quả áp dụng mô hình trên tại ba doanh nghiệp khác nhau với kết quả đạt được là năng suất lao động tăng từ 23% đến 35%, tỷ lệ hàng sửa sau lần kiểm đầu tiên tại cuối chuyền chỉ còn 4%- 8% tùy từng loại sản phẩm.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến tham luận và phát biểu của đại diện các doanh nghiệp về việc triển khai Lean như khâu chuẩn bị nguyên phụ liệu, sự phân công công việc trong chuyền, ý thức của công nhân, tay nghề của công nhân. Đặc biệt, Hội thảo đã được nghe ý kiến phát biểu của đại diện Công ty Cổ phần May Nam Định, một trong những đơn vị đã được Nhà trường tư vấn triển khai LEAN với những kết quả đạt được hết sức khả quan cả về năng suất, chất lượng và hệ thống quản lý.
Tổng kết các ý kiến trao đổi của các doanh nghiệp và nhóm nghiên cứu, TS. Hoàng Xuân Hiệp đã đưa ra kết luận như sau:
- Quy trình triển khai LEAN do nhóm nghiên cứu của Trường phát triển đã thể hiện được tính hệ thống trong triển khai, đã tích hợp vào quy trình nhiều yếu tố mới phù hợp quá trình triển khai LEAN trong điều kiện của các doanh nghiệp may Việt Nam.
- Không có quy trình giống nhau cho các doanh nghiệp khi ứng dụng LEAN do trình độ con người, trình độ công nghệ, trình độ quản lý…của các doanh nghiệp khác nhau. Để đảm bảo triển khai LEAN thành công, cần khảo sát đánh giá cụ thể thực trạng của từng doanh nghiệp để đề xuất phương án triển khai riêng cho từng doanh nghiệp, có như vậy mới đảm bảo triển khai LEAN có hiệu quả.
- Các lãng phí hiện tại được nêu trong quy trình chỉ đề cập đến 7 loại lãng phí hữu hình. Trong thời gian tới, Nhóm nghiên cứu cần đưa thêm vào quá trình triển khai hai loại lãng phí vô hình là lãng phí về thông tin và lãng phí tài năng. Giảm thiểu hai loại lãng phí vô hình này cũng sẽ giúp nâng cao nhanh chóng giá trị gia tăng cho các sản phẩm may của doanh nghiệp.
- Đối với các doanh nghiệp mà trình độ nhân lực kỹ thuật, quản trị chất lượng, tổ trưởng còn yếu thì phải tổ chức các khóa đào tạo kỹ năng bổ sung trước khi triển khai LEAN, có như vậy mới đảm bảo chắc chắn cho sự thành công của LEAN tại doanh nghiệp.
Không khí buổi hội thảo cho thấy sự gắn bó chặt chẽ giữa Trường Đại học Công nghiệp Dệt May Hà Nội và các doanh nghiệp trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ cho ngành Dệt May Việt Nam. Qua Hội thảo này Nhà trường mong muốn phối hợp với các doanh nghiệp may nhằm phổ biến rộng rãi công nghệ sản xuất tinh gọn LEAN để nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp may trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Văn phòng NSCL (tổng hợp)