Hội thảo nâng cao năng suất và chất lượng hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 712/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt là Chương trình 712), theo đó, các bộ, ngành sẽ xây dựng đề án riêng, các mục tiêu, nội dung cụ thể phù hợp với từng bộ, ngành.

Sáng 26/11/2019, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng phối hợp với Viện Vật liệu xây dựng tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hàng hóa của ngành sản xuất vật liệu xây dựng” nhằm hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng tại doanh nghiệp.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục tiêu giới thiệu các đề án nâng cao năng suất, chất lượng tới các đơn vị quản lý, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Cùng với đó, giới thiệu các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng của ngành sản xuất vật liệu xây dựng và xin ý kiến các đơn vị quản lý, hiệp hội, các tổng công ty, đơn vị sản xuất về nội dung cần thiết được Bộ Xây dựng hỗ trợ để nâng cao năng suất, chất lượng của ngành. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng các chương trình, kế hoạch tiếp theo để thực hiện đề án hiệu quả. Đề án gồm: Đến năm 2020, tập trung nâng cao năng suất và chất lượng của 04 nhóm VLXD chủ yếu: xi măng, vật liệu ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng; Đầu tư, nâng cao năng lực 03 phòng thử nghiệm vật liệu đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý; Hình thành và duy trì hoạt động 01 trang thông tin điện tử về năng suất và chất lượng là nơi giới thiệu, chia sẻ thông tin, kiến thức và hoạt động của mạng lưới năng suất và chất lượng sản phẩm; Đào tạo được 100 chuyên gia năng suất và chất lượng sản phẩm trong lĩnh vực sản xuất VLXD; Xây dựng tối thiểu 04 mô hình điểm )mỗi nhóm sản phẩm tối thiểu 01 mô hình) làm cơ sở để tuyên truyền, vận động, phổ biến cho các cơ sở sản xuất khác học tập, áp dụng.

Đại diện từ Bộ Công Thương, bà Kiều Nguyễn Việt Hà, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã chia sẻ kết quả và bài học kinh nghiệm từ dự án nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm ngành Công thương giai đoạn 2012-2018. Bà Kiều Nguyễn Việt Hà cho biết trong quá trình thực hiện Chương trình 712 tại Bộ Công Thương (dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của ngành Công Thương), Bộ Công Thương đã chọn một hướng đi phù hợp trong quá trình triển khai, trong đó xác định doanh nghiệp chính là trọng tâm của các hoạt động triển khai dự án. “Để giúp doanh nghiệp có cái nhìn trực quan về lợi ích từ việc áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, Bộ Công Thương tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai các mô hình điểm. Cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, hay các công cụ cải tiến chất lượng tiên tiến”, bà Kiều Nguyễn Việt Hà nhấn mạnh.”

Ngoài ra, về vấn đề chất lượng, nội dung ưu tiên của Bộ Công Thương, đó là tập trung vào việc xây dựng hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn. Đây không chỉ là công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý sản phẩm hàng hóa của các cơ quan quản lý mà quan trọng hơn còn là một trong những định hướng rất quan trọng cho hoạt động để cải tiến và đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp.

Văn phòng NSCL tổng hợp

Tin mới