Trả lời
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về năng suất và chất lượng, tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, từ 2011- 2015, Chương trình đã tập trung hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng các giải pháp quản lý tiên tiến, góp phần thúc đẩy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Chương trình gồm 09 dự án, trong đó Bộ KHCN và 06 Bộ quản lý ngành chủ trì 08 dự án; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì dự án 9 “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương”.
Đối với các dự án năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại địa phương tính đến nay cũng đã thu được rất nhiều kết quả.
Từ năm 2011-2015,thống kê chưa đầy đủ, cả nước có hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; tư vấn hỗ trợ tham gia các hoạt động giải thưởng chất lượng quốc gia; tư vấn về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn, tư vấn về đổi mới công nghệ và hàng trăm doanh nghiệp được hướng dẫn xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn cơ sở (TCCS)…
Lợi ích mà các doanh nghiệp đạt được trước hết đó là doanh nghiệp nhận thức được đầy đủ hơn tầm quan trọng của năng suất chất lượng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp; doanh nghiệp đã được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình. Chương trình đã tạo được sự gắn kết hơn giữa khoa học và sản xuất, đời sống.
Bên cạnh đó, việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các SPHH, thông qua đó ngày càng có nhiều SPHH có chất lượng cao và ổn định.
Việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống TCVN, hệ thống QCVN một mặt đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của quản lý nhà nước đối với nhóm sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người và bảo vệ động vật, thực vật, môi trường; hạn chế nhập khẩu các mặt hàng, kém chất lượng; đồng thời bảo đảm nâng cấp chất lượng và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, kinh tế-xã hội, nâng cao sức cạnh tranh của SPHH và dịch vụ trên thị trường trong nước và quốc tế…
Về lợi ích kinh tế, doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận và áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến, mô hình, công cụ cải tiến NSCL thích hợp, qua đó giảm thiểu các lãng phí trong quá trình sản xuất, tiết kiệm về nhân lực, thời gian, nguyên nhiên liệu, năng lượng,… đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, chất lượng SPHH, thỏa mãn ngày càng tốt hơn nhu cầu của khách hàng, cải thiện hình ảnh, thương hiệu và tính cạnh tranh của doanh nghiệp.