Việc ra đời của hàng loạt ứng dụng, thiết bị ứng dụng công nghệ cao đã mở ra bức tranh mới với nhiều cơ hội cho ngành điện.
Trong xu thế toàn cầu về áp dụng các công nghệ tiên tiến để thực hiện cuộc Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0, ngành điện thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, vốn là ngành hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao, không thể đứng ngoài xu thế chung. Đối với ngành điện Việt Nam, mức độ ứng dụng CMNC 4.0 được thể hiện:
Trong sản xuất điện đã ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong một số khâu điều khiển, giám sát nhà máy điện, góp phần nâng cao hiệu suất chung của phát điện, nhưng chưa có ứng dụng trong kết nối toàn bộ các nguồn điện. Sắp tới khi có các nguồn điện phân tán của các hộ dân/ doanh nghiệp tích hợp vào khâu sản xuất điện (chẳng hạn điện mặt trời áp mái), sẽ là sự kết hợp: khách hàng mua điện – hộ bán điện, cần có việc ứng dụng internet vạn vật – IoT tạo cơ sở để phối hợp điều hòa tính thích ứng của các nguồn điện truyền thống, của lưới điện đối với các biến động của nguồn điện từ năng lượng tái tạo…
Trong khâu truyền tải/ phân phối điện đã ứng dụng công nghệ không người trực, thu thập và truyền số liệu, điều khiển tự động… vốn đã có từ CMCN lần thứ Ba, cần nâng cấp áp dụng CMCN 4.0 để có thể sử dụng nền tảng IoT, hệ thống dữ liệu lớn – Big Data để tác động đến hoạt động vận hành, giám sát, bảo dưỡng hệ thống lưới điện.
Ví dụ: Xác định việc bảo dưỡng được thực hiện trên cơ sở dữ liệu thu thập về tình trạng thiết bị mà không phải bảo dưỡng định kỳ theo thời gian như trước; ứng dụng công nghệ lưới điện thông minh để lưới điện phản ứng linh hoạt với mức biến thiên của phụ tải, điều hòa dòng truyền tải tối ưu; tích hợp các thiết bị tích trữ năng lượng để cân bằng lưới – phụ tải…
Việc ứng dụng CMCN 4.0 trong kinh doanh – dịch vụ khách hàng sẽ là một trong những trọng tâm mà EVN hướng tới, nhưng vẫn chưa có các ứng dụng công nghệ số quản lý và phục vụ khách hàng trên cơ sở tổng hợp phân tích dữ liệu về nhu cầu, mức độ thỏa mãn của khách hàng; hoàn thiện hệ thống bản đồ số về lưới điện phân phối để có thể triển khai các dịch vụ cấp điện mới ngay tại cơ quan điện lực, tiết kiệm thời gian khảo sát hiện trường.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, các phương thức chăm sóc khách hàng hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, tổng đài chăm sóc khách hàng cần nhiều nhân công trực tổng, không có khả năng đáp ứng đồng thời lượng lớn khách hàng, hệ thống thường bị nghẽn trong các thời điểm cao điểm.
Ngoài ra, do dùng chung cho mọi đối tượng khách hàng nên website có nhiều chức năng, trong khi mỗi khách hàng chỉ sử dụng 1, 2 chức năng khác nhau, khách hàng phải cài đặt ứng dụng trên điện thoại, nâng cấp bảo trì phức tạp, cần nhiều phiên bản do phụ thuộc vào hệ điều hành và model máy của các hãng. Thực tế này tạo ra chi phí lớn trong khi tin nhắn hạn chế về nội dung và không kiểm soát tình trạng tin đến máy.
Nguồn: Báo Chất lượng Việt Nam