Tiếp tục triển khai giai đoạn II của Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam 2016-2020 (Chương trình 712), các doanh nghiệp sẽ được tạo điều kiện tiếp cận các chương trình hỗ trợ khoa học và công nghệ (KH&CN) của Nhà nước để nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo Tin Tức quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết hiện trạng năng suất lao động tại Việt Nam đã có những chuyển biến như thế nào?
Năng suất lao động của Việt Nam hiện nay đang có sự tăng trưởng rõ rệt. Nếu như năm 1990 năng suất lao động chỉ khoảng 2.800 USD/người, thì đến nay đã tăng lên hơn 8.000 USD/người/năm, tăng gấp 3 lần sau hơn 20 năm, phản ánh những cố gắng của Việt Nam trong việc giảm dần khoảng cách năng suất so với các nước phát triển khác.
Đặc biệt, sau giai đoạn I của Chương trình 712 (2011- 2015), đã cho những hiệu quả rõ rệt với 65% tiêu chuẩn Việt Nam được công bố phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; hàng nghìn doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng; áp dụng các hệ thống quản lý ISO; áp dụng các cải tiến năng suất; 53 địa phương xây dựng, triển khai dự án năng suất chất lượng…
Tuy đã có những bước tiến rõ rệt nhưng thực trạng năng suất ở Việt Nam vẫn đang có một khoảng cách khá lớn so với các nước phát triển và đang phát triển trong khu vực khi Singapore gấp 14,5 lần, Nhật Bản gấp 10,8 lần, Malaysia gấp 7,3 lần và Thái Lan gấp 2,9 lần năng suất lao động của Việt Nam (theo thống kê năm 2013).
Thực trạng này ảnh hưởng thế nào khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam? Liệu các doanh nghiệp Việt Nam có bị thua trên chính “sân nhà” trong quá trình hội nhập?
Năng suất lao động thấp là trở ngại lớn đối với khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời kỳ hội nhập. Khi năng suất thấp, doanh nghiệp muốn duy trì chất lượng thì chi phí phải tăng dẫn đến giá thành sản phẩm tăng khiến cho việc tiêu thụ thấp, doanh nghiệp không sử dụng dùng hết năng lực sản xuất, việc quay vòng vốn chậm khiến sản xuất đình trệ, năng suất sẽ càng thấp. Như vậy, “cái bẫy” của một doanh nghiệp năng suất thấp vô hình được tạo ra. Doanh nghiệp dễ rơi vào vòng luẩn quẩn và lúc nào cũng trong tình trạng năng suất lao động thấp.
Theo kết quả điều tra năm 2015 về năng suất của các doanh nghiệp thuộc một số ngành công nghiệp chế biến do Viện Năng suất Việt Nam thực hiện năm 2015, có 6 vấn đề đang gây cản trở cho việc tăng năng suất là: Nhận thức của lãnh đạo doanh nghiệp về sự cần thiết nâng cao năng suất chưa thật đầy đủ, thiếu ưu tiên cho các mục tiêu năng suất và chưa có được chiến lược cải tiến năng suất rõ ràng; thiếu sự quan tâm đầu tư cho các dự án nghiên cứu, phát triển và cải tiến năng suất; thiếu sự đầu tư cho phát triển KH&CN; hạn chế trong việc xây dựng một doanh nghiệp có thể thích ứng với thay đổi và áp dụng các phương thức quản lý tiên tiến; trình độ lao động trong các doanh nghiệp còn hạn chế, thiếu tác phong công nghiệp; doanh nghiệp chưa coi khách hàng là trung tâm để định hướng cho các hoạt động của doanh nghiệp.
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục hội nhập ở mức sâu rộng hơn. Khi tham gia vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN, chúng ta sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: Tự do luân chuyển hàng hóa, đầu tư và lao động có kỹ thuật cao. Các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trước mắt. Trong khi đó, tới 96% các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, do vậy khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài hoặc tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu là thấp. Nếu không đẩy mạnh phong trào nâng cao năng suất, chất lượng, chúng ta có thể đánh mất lợi thế ngay trên “sân nhà”.
Ở góc độ doanh nghiệp, cải tiến năng suất là những nỗ lực nhằm đáp ứng sự thay đổi của yếu tố bên ngoài, đồng thời cải tiến các yếu tố bên trong nhằm nâng cao năng suất. Để đạt được năng suất cao, mọi yếu tố trong quá trình sản xuất kinh doanh phải được tối ưu hóa. Thông qua việc xác định những điểm mạnh, điểm yếu trong quản lý, doanh nghiệp có thể thiết lập, lựa chọn và ưu tiên các biện pháp phù hợp với nguồn lực hiện tại.
Thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ có những chiến lược nào để hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, nhất là khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực, thưa ông?
Giai đoạn tới, các hoạt động của phong trào năng suất, chất lượng sẽ tiếp tục hướng vào các mục tiêu cụ thể gồm: Tập trung vào những ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế cao và tác dụng lan tỏa tới các ngành khác thông qua các chương trình hỗ trợ, chương trình ứng dụng các công cụ cải tiến liên tục, chương trình hỗ trợ về phát triển KH&CN. Đặc biệt, Bộ KH&CN tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng văn hóa cải tiến năng suất và ý thức công nghiệp; xây dựng, đào tạo và phát triển chuyên gia chuyên sâu trong lĩnh vực năng suất; đẩy mạnh các khóa đào tạo, nâng cao năng suất lao động, nâng cao trình độ văn hóa nhận thức về pháp luật cho người lao động. Nhà nước cũng sẽ tập trung tăng cường khích lệ doanh nghiệp đầu tư cho KH&CN, là yếu tố quan trọng để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh đó, các chính sách cũng tập trung thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nhỏ tiềm năng tăng trưởng về quy mô thông qua các giải pháp tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn phát triển kinh doanh. Đặc biệt, sẽ hỗ trợ thông tin, kiến thức để các doanh nghiệp có thể xây dựng được các định hướng phát triển dài hạn.
Xin cảm ơn ông!