Xác định cây chè là tiềm năng, thế mạnh đặc biệt của tỉnh, nhiều năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển các hoạt động khai thác, chế biến chè theo hướng mở rộng quy mô diện tích, nâng cao chất lượng. Tại huyện Đông Hỷ tỉnh Thái Nguyên, việc đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất, chế biến thời gian qua đã giúp cải thiện đáng kể năng suất chất lượng.
Huyện Đông Hỷ là huyện có diện tích đất trồng chè lớn thứ hai của tỉnh Thái Nguyên với gần 3.800 ha. Chè được xem là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế nên ban lãnh đạo huyện luôn chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân tăng cường áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến.
Với nguồn vốn khuyến công địa phương, năm 2019 huyện đã hỗ trợ đầu tư 144 máy sao, 142 máy vò và 4 máy hút chân không cho các cơ sở sản xuất, chế biến chè. Dần nhận thức được lợi ích mà áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, nhiều cơ sở sản xuất chè trên địa bàn cũng tranh thủ sự hỗ trợ này mạnh dạn đầu tư cải tiến công nghệ và thiết bị sản xuất. Hiện tại xóm Văn Hán, 100% hộ trồng chè đều sử dụng máy sao, vò lắp mô tơ quay tự động trong công đoạn sao sấy chè. Năm 2020 tới đây, xã đã đăng ký hỗ trợ thêm gần 100 tôn quay, máy vò cấp …
Nhờ có những thay đổi đó tại huyện Đông Hỷ đã thu được những thành quả đáng kể. Ở xã Minh Lập, Hợp tác xã chè an toàn Nguyên Việt sau khi đầu tư đồng bộ: máy sao, máy sấy, máy ủ hương, máy dán tự động, máy hút chân không… giúp cải thiện năng suất lao động đáng kể nên hợp tác xã tiếp tục đầu tư thêm máy sao chè bằng khí gas thay thế cho tôn quay lắp mô tơ tự động. Máy dễ điều chỉnh nhiệt độ, om nhiệt tốt, làm cho búp chè chín đều, giữ được hương thơm tốt, chất lượng ngon hơn nên sản phẩm đầu ra có sức cạnh tranh cao hơn trên thị trường.
Qua đó mà những năm gần đây, năng suất và sản lượng chè của huyện Đồng Hỷ liên tục tăng. Năm 2019, năng suất chè đạt trên 122 tạ/ha/năm, tăng gần 2 tạ/ha/năm so với năm 2018; sản lượng chè búp tươi đạt trên 40,2 tấn; vượt 5% so với kế hoạch năm đặt ra.
Ban lãnh đạo địa phương luôn hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhằm đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động. Vì vậy, người dân mạnh dạn áp dụng máy móc, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động sản xuất và chế biến.
Thời gian tới, cùng với việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ khuyến công tỉnh, huyện Đồng Hỷ sẽ tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho người trồng chè, nhất là việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất…
Văn phòng NSCL tổng hợp