Luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, những năm qua, Công ty Nhiệt điện Na Dương đã có nhiều cải tiến ở một số thiết bị, áp dụng công nghệ mới, từ đó mang lại những hiệu quả rõ rệt.
Nổi bật là “chuyển đổi cút cong đường ống vận chuyển xỉ từ vật liệu bằng thép sang vật liệu sứ chịu mài mòn”. Trao đổi với lãnh đạo Công ty được biết, xuất phát từ thực tiễn khi sử dụng cút cong bằng thép thường chỉ vận hành được khoảng 2 tháng là bị xỉ mài mòn, thủng gây gián đoạn công tác vận hành, tiêu hao chi phí vật tư, nhân công để khắc phục và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Sau nhiều lần nghiên cứu chuyển đổi vật liệu, thiết kế từ thép SUS, đổ bê tông… đều chưa mang lại hiệu quả rõ rệt. Đến khi Công ty nghiên cứu chuyển đổi sang vật liệu là sứ chịu mài mòn lót mặt trong của cút cong đã đem lại kết quả thiết thực, giúp thời gian vận hành liên tục của hệ thống được nâng cao, giảm thiểu chi phí nhân công cho khắc phục sự cố và đảm bảo an toàn môi trường, VSLĐ.
Việc nghiên cứu, áp dụng “hóa chất Nalco cho hệ thống nước tuần hoàn của nhà máy” cũng mang lại nhiều hiệu quả. Trên thực tế, công nghệ ban đầu chỉ áp dụng polyme N208 và Javel cho hệ thống nước tuần hoàn. Tuy nhiên sau thời gian vận hành, tại các bộ trao đổi nhiệt sử dụng nước tuần hoàn hình thành lớp cáu cặn trên bề mặt ống, ảnh hưởng đến khả năng trao đổi nhiệt cũng như hiệu quả, tuổi thọ của thiết bị (các vít thải xỉ đáy lò, bộ làm mát mẫu nước lò, bình ngưng, tấm giải nhiệt tháp làm mát…). Khi nhà máy đã sử dụng hóa chất của Nalco cho hệ thống tháp làm mát kết hợp với hệ thống giám sát nước online giúp kiểm soát tốt chất lượng nước tháp làm mát (với các hóa chất chống cáu cặn 3DT104, chất chống ăn mòn 1393, chất diệt vi sinh 7342,7330) đã giúp hạn chế việc hình thành cáu cặn, giảm thiểu sự phát triển của vi sinh vật trong hệ thống, từ đó duy trì được hiệu suất làm việc của các thiết bị trao đổi nhiệt cũng như hiệu suất của tổ máy.
Đồng thời phải kể đến là việc “Áp dụng tự động hóa cho hệ thống băng tải thải xỉ ra ngoài hàng rào nhà máy”. Trước đây, Công ty Nhiệt điện Na Dương đã đầu tư xây dựng hệ thống băng tải thải xỉ từ silo 1.500m3 ra ngoài hàng rào nhà máy, đã hạn chế được tro xỉ phát tán trong quá trình vận chuyển xỉ. Tuy nhiên tại thời điểm đó, các thiết bị chủ yếu vận hành bằng tay, cần có công nhân trực tại chỗ để giám sát, vận hành. Xuất phát từ chương trình nâng cao ứng dụng tự động hóa trong dây chuyền sản xuất của TKV, bộ phận kỹ thuật của Công ty đã nghiên cứu, triển khai áp dụng chương trình tự động hóa cho hệ thống băng tải thải xỉ ra ngoài hàng rào nhà máy. Qua đó việc vận hành thiết bị được thuận lợi hơn, từ chỗ cần công nhân vận hành giám sát tại chỗ, đến nay việc giám sát vận hành có thể được thực hiện từ phòng trực thông qua hệ thống điều khiển, camera giám sát.
Phát huy những kết quả đã đạt được, để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, Công ty đang tiếp tục nghiên cứu, triển khai áp dụng các giải pháp kỹ thuật trong thời gian tới như: Áp dụng hệ thống khử lưu huỳnh ngoài lò (FGD) nhằm nâng cao hiệu quả khử lưu huỳnh khi chất lượng than tại mỏ Na Dương bị suy giảm, đảm bảo các yêu cầu về phát thải theo quy định; đồng thời nâng cao được hiệu suất của lò hơi cũng như tổ máy. Bên cạnh đó là nâng cấp hệ thống điều khiển DCS với các mục tiêu: Cập nhật phiên bản mới nhất của phần mềm hệ thống điều khiển DCS; các phần cứng trong hệ thống điều khiển DCS bị vào giai đoạn giới hạn hay ngừng hỗ trợ của nhà sản xuất thì tiếp tục được sử dụng, khi hỏng có thể thay thế lên dòng sản phẩm mới nhất mà hãng ABB đang sản xuất từ thời điểm nâng cấp; đảm bảo yếu tố cơ bản là tổ máy vận hành ổn định, tin cậy, kinh tế; loại trừ các sự cố, rủi ro tiềm ẩn trong hệ thống; kéo dài tuổi thọ và vòng đời làm việc của hệ thống điều khiển; đồng thời cải thiện, nâng cao điều kiện làm việc của đội ngũ kỹ sư công nhân vận hành nhà máy trong việc giám sát, điều khiển Tổ máy vận hành theo đúng các thông số thiết kế nhà máy, giảm thiểu sự cố và tiết giảm các chi phí vận hành, sửa chữa sự cố…
Nguồn: vinacomin.vn