Những năm qua, phong trào thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật (SKCTKT) ở Công ty Điện lực Cao Bằng được lãnh đạo Công ty quan tâm và chỉ đạo xuyên suốt. Cán bộ, công nhân, người lao động trong Công ty không ngừng nỗ lực phát huy nhiều SKCTKT, mang lại hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Là đơn vị sản xuất, kinh doanh, hằng năm, Công ty xác định phong trào phát huy SKCTKT để tiết kiệm chi phí sản xuất là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Chi nhánh điện các huyện, Thành phố, các phòng chuyên môn của Công ty đều xây dựng kế hoạch đăng ký các đề tài. Ở bộ phận công nhân trực tiếp đề xuất những ý tưởng mới xuất phát từ thực tế lao động, sản xuất. Những ý tưởng này sẽ được Hội đồng Sáng kiến của Công ty xem xét, cho ứng dụng thử nghiệm, khi thấy hiệu quả sẽ phát triển thành đề tài sáng kiến triển khai rộng rãi trong toàn ngành.
Với địa hình hơn 90% đường dây đi qua các khu vực đồi núi, dân cư thưa thớt, thường xuyên có mưa dông và nằm trong vùng ảnh hưởng của nhiều hình thái thời tiết cực đoan, để bảo đảm khả năng truyền tải và cấp điện trên địa bàn tỉnh ngày càng tốt hơn, phong trào phát huy SKCTKT của Công ty đã tập trung vào công tác khắc phục sự cố, nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, giảm chi phí sản xuất, mang lại hiệu quả thiết thực khi áp dụng vào thực tế.
Một số sáng kiến điển hình đưa vào ứng dụng thực tế trong lao động sản xuất tại các đơn vị, như: “Cải tiến sửa chữa tụ bù 35 KV – 300 KVAr bị đánh thủng cách điện”; “Sử dụng ống bọc cách điện Silicone cho dây nhôm trần ngăn ngừa sự cố do động vật và chống phóng điện bề mặt sứ”; “Giải pháp lưu trữ dữ liệu trực tuyến trên Mycloud cho Công ty Điện lực Cao Bằng”; “Cải tiến kết cấu lắp đặt dao cách ly đa năng trên cột bê tông ly tâm”…
Xuất phát từ thực tế hệ thống tụ bù trung áp 35 KV – 300 KVAr bị sự cố do có 1 bình tụ 300 KVAr bị phóng điện ngắn mạch vỏ tụ với đất làm hỏng tụ, tuy nhiên hiện tại, thị trường trong nước không có loại tụ trên để thay thế. Giám đốc Công ty Điện lực Cao Bằng Vũ Xuân Linh đưa ra sáng kiến và nghiên cứu thực hiện bằng cách rút hết chất điện môi còn lại trong bình tụ điện, sấy khô bình tụ, nạp dầu cách điện của máy biến áp 35 KV vào tụ bằng phương pháp truyền ti ô, hàn vá lại vỏ bình tụ bằng phương pháp hàn tán rút. Sau khi sửa chữa xong, thực hiện thí nghiệm tụ điện theo quy định: Đo điện trở cách điện, đo điện dung, thử chịu điện áp xoay chiều tăng cao. Các hạng mục thí nghiệm đều đạt so với tiêu chuẩn và so với bình tụ cùng chủng loại.
Các sáng kiến không chỉ tập trung vào đội ngũ kỹ thuật văn phòng mà còn được công nhân lao động trực tiếp hưởng ứng bởi chính quá trình lao động đã giúp họ có nhiều ý tưởng mới. Để thúc đẩy phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, ngành điện duy trì các cuộc thi tay nghề, thi thợ giỏi các cấp nhằm ứng dụng các SKCTKT. Hằng năm, ngành tổ chức tổng kết, đánh giá và có phần thưởng với những sáng kiến ứng dụng hiệu quả.
Từ các hoạt động này, Công ty đã phát hiện, bồi dưỡng nhiều cán bộ, công nhân có trình độ chuyên môn cao, có tư duy sáng tạo, năng động trong công việc thực tế. Từ năm 2015 đến nay, Công ty có 71 đề tài, sáng kiến đăng ký đã được Hội đồng Sáng kiến của Công ty xét duyệt và trình đăng ký cấp Tổng Công ty công nhận với mức làm lợi hơn 10 tỷ đồng.
Việc phát động và duy trì phong trào phát huy SKCTKT có ý nghĩa to lớn trong quá trình lao động sản xuất, quản lý và vận hành an toàn, hiệu quả lưới điện. Thời gian tới, Ban Giám đốc Công ty tiếp tục phát động phong trào sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên để phát hiện những tài năng sáng tạo, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hợp lý nhằm đem lại lợi ích thiết thực cho ngành.
Nguồn: Báo Cao Bằng