Hiệu quả lớn từ quản lý lưới điện thông minh

Ứng dụng khoa học – công nghệ hiện đại vào công tác quản lý lưới điện truyền tải, đặc biệt áp dụng mô hình trạm biến áp (TBA) không người trực (KNT) đã giúp Công ty Truyền tải điện 1 ( PTC1) giảm lao động, tăng hiệu quản vận hành lưới điện.

Bắt kịp xu thế mới

Là thành viên của Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT), PTC1 đang quản lý vận hành 10.268km đường dây và 67 TBA 220kV – 500 kV với địa bàn hoạt động trải rộng tại 28 tỉnh, thành phố miền Bắc, có địa hình phức tạp. Điều này gây khó khăn trong công tác quản lý vận hành lưới điện, nên đầu tư công nghệ mới trong các khâu tự động hóa việc kiểm tra, sửa chữa, thao tác từ xa, xây dựng các TBA KNT luôn được PTC1 đặt ra.

Ông Nguyễn Phúc An – Giám đốc PTC1 – cho biết: Hiệu quả của lưới điện thông minh đã được thực tế chứng minh, khi giúp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa công tác quản lý, chi phí vận hành lưới điện, đa dạng các nguồn phát điện, nâng cao hiệu quả sử dụng điện, đảm bảo chất lượng điện năng cũng như thêm nhiều dịch vụ cho khách hàng… Năm 2017, PTC1 đã đưa 3 trung tâm vận hành (TTVH) điều khiển từ xa và 8 TBA KNT đầu tiên đi vào hoạt động, tạo bước tiến lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp hiện đại. “Những ngày đầu triển khai mô hình TBA KNT, PTC1 gặp không ít khó khăn, thách thức. Hệ thống lưới điện truyền tải trải dài trên diện rộng, các TBA cách xa nhau đã tạo bất lợi trong khâu điều khiển, kiểm tra tình hình vận hành máy móc của TTVH từ xa. Hơn nữa, việc chuyển đổi các trạm có người trực truyền thống sang TBA KNT đòi hỏi Ban lãnh đạo Công ty tính toán và giải quyết vấn đề việc làm cho các lao động phải sắp xếp lại” – ông Nguyễn Phúc An chia sẻ.

Xác định công nghệ là nền tảng của sự phát triển bền vững, với mục tiêu không ngừng cải thiện và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý vận hành hệ thống lưới điện truyền tải, những năm gần đây, PTC1 đã tích cực áp dụng các phần mềm, xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin như: Phần mềm Quản lý kỹ thuật (Pmis); quản lý nhân sự (HRM); hệ thống SCADA-EMS, hệ thống giám sát dầu online, hệ thống ghi sự cố, hệ thống định vị sự cố; hoàn thiện trung tâm dữ liệu Data Center kết nối NPT với các đơn vị…

Những “trái ngọt”

Đến nay, sau một thời gian tích cực triển khai TBA KNT, PTC1 đã đưa vào vận hành một số TTVH, điều khiển từ xa thông qua các kênh truyền như TTVH Mai Động quản lý 3 TBA 220kV Long Biên, Kim Động, Bắc Ninh 2; TTVH Nam Định quản lý 3 TBA 220kV Nam Định, Thái Thụy, Trực Ninh; TTVH Phú Thọ quản lý 2 TBA 220kV Phú Thọ và Tuyên Quang; TTVH Nông Cống quản lý 2 TBA 220 kV Nông Cống và Bỉm Sơn; TTVH Hà Đông quản lý 2 TBA 220 kV Thành Công và Sơn Tây; cùng các TTVH hiện tại đang quản lý 1 TBA là Bắc Kạn, Bảo Lâm, Hải Dương 2, Hải Hà, Than Uyên. Theo lộ trình, trong thời gian tới, 1 TTVH sẽ quản lý vận hành từ 3 – 5 TBA KNT.

Anh Đinh Nguyễn Hoàng – Trưởng TTVH Nam Định – chia sẻ: TTVH Nam Định gần như là trung tâm đầu tiên của PTC1 và của EVNNPT khi áp dụng quản lý mô hình TBA KNT. Chúng tôi đã tích cực nghiên cứu, sáng tạo, đáp ứng được xu thế mới. Sau hơn 1 năm vận hành TBA KNT, năng suất hiệu quả lao động tại trạm không chỉ đảm bảo mà còn được nâng cao.

Thời gian tới, PTC1 tiếp tục hoàn thiện và đưa vào vận hành các TTVH Quang Châu, Lưu Xá, Vĩnh Yên, Hà Giang, Bảo Thắng, Thanh Nghị, Đình Vũ… theo đúng kế hoạch của EVNNPT giao. Đồng thời, triển khai đào tạo, kiểm tra, xét tuyển nhân viên vận hành vào các TTVH; khẩn trương rà soát lại các TBA đang vận hành để lập kế hoạch dự kiến chuyển thao tác xa không người trực…

Việc xây dựng thành công các TTVH góp phần đáng kể trong việc theo dõi, cập nhật thường xuyên, liên tục tình trạng hoạt động của các loại máy móc, thiết bị tại TBA; đồng thời, giảm đáng kể lực lượng, nhân công quản lý trực tiếp tại các TBA.

Nguồn: congthuong.vn

Tin mới