Lander Automotive chuyên thiết kế và sản xuất bộ phận ghế ngồi và các sản phẩm dạng ống dùng trong ngành công nghiệp ô tô.
Ban đầu, máy móc sử dụng trong sản xuất được trải khắp mặt xưởng khiến cho dòng sản xuất bị lãng phí. Có quá nhiều hàng tồn kho và sự di chuyển bán thành phẩm bởi cách bố trí các máy móc này.
Các giá đựng được dùng để chứa và vận chuyển bán thành phẩm giữa các công đoạn sản xuất và để đáp ứng sản xuất, công nhân cần làm thêm giờ.
Sau khi đánh giá quá trình sản xuất, nhóm cải tiến xác định được một số cách làm giảm lãng phí và giúp tăng giá trị gia tăng trên một đầu người (VAPP).
Đầu tiên, họ triển khai hoạt động 5S: sàng lọc, sắp xếp, làm sạch, tiêu chuẩn hóa và thực hiện duy trì. 5S giúp loại bỏ các đồ vật không cần thiết trong khu vực sản xuất và giúp công việc được tổ chức một cách hiệu quả hơn.
Tiếp theo, nhóm tiến hành đo đạc thời gian sản xuất một sản phẩm ở từng công đoạn và xác định mức độ mất cân bằng giữa các công đoạn đó. Bằng cách kết hợp các công đoạn sản xuất, thời gian của công nhân vận hành được tận dụng giúp giảm được một người vận hành để chuyển sang làm công việc khác.
Ý tưởng cân bằng chuyền sau đó được nhóm cải tiến thiết kế nhằm phân phối công việc cho các công nhân vận hành. Kết quả là ý tưởng đã cho phép thêm khâu kiểm tra và đóng gói vào phần cuối mỗi trạm sản xuất.
Sử dụng cân bằng tại các trạm sản xuất mới giúp các công đoạn sản xuất gần nhau hơn. Điều đó là cần thiết để loại bỏ sự vận chuyển trong sản xuất.
Nhóm cải tiến đã sử dụng bìa các tông để mô phỏng ý tưởng nhằm thuyết phục các công nhân vận hành nhà máy trước khi di chuyển máy móc. Họ chứng minh được rằng kiểu kết hợp công việc mới sẽ đem lại hiệu quả làm việc cao hơn trước.
Kết quả sau 3 tháng thực hiện cải tiến
- VAPP tăng 118%
- Bán thành phẩm giảm 95%
- Thời gian sản xuất giảm 93%
- Thời gian giao hàng giảm 24%
- Diện tích nhà xưởng giảm 28%
- Quãng đường đi lại giảm 25%
- Không cần sử dụng xe nâng để di chuyển các giá đựng bán thành phẩm. Giờ đây bán thành phẩm được chuyển giữa các công đoạn sản xuất bằng băng tải trọng lực.
- Mặc dù ban đầu các công nhân vận hành chưa quen với sự thay đổi xong đến cuối chương trình cải tiến thì họ cảm thấy rất hài lòng.
Giá trị gia tăng trên đầu người (VAPP – Value Added Per Person) là một chỉ số tài chính được xác định bằng giá trị gia tăng chia cho số lao động trực tiếp.
Giá trị gia tăng là phần công sức mà người lao động sử dụng để chuyển hóa nguyên vật liệu thô thành sản phẩm. Nó được tính bằng: Giá trị đầu ra (giá bán) – Giá trị đầu vào (giá nguyên vật liệu).
Lao động trực tiếp là những người nếu thiếu họ thì quá trình sản xuất không thể diễn ra.
VAPP = (Giá trị đầu ra – Giá trị đầu vào)/ Số lao động trực tiếp.
Chỉ số VAPP càng cao thì càng tốt. Một chỉ số VAPP cao nghĩa là bạn đang tận dụng được tối đa thời gian của nhân viên, giảm thiểu thời gian chờ đợi. Nếu bạn phân tích được cách nhân viên làm việc, bạn có thể kết hợp một số thao tác nào đó hoặc tận dụng được thời gian nhân viên chờ đợi quá trình sản xuất tự động kết thúc.
Gợi ý:
- Sử dụng máy quay để ghi lại các thao tác thực hiện công việc của người lao động
- Phân tích video để phát hiện ra các hoạt động lãng phí, chẳng hạn như sự di chuyển không cần thiết hoặc thời gian chờ đợi của công nhân vận hành máy. Liệu trong thời gian chờ đó công nhân vận hành máy có thể làm gì khác?
- Đưa ra giải pháp cải tiến
- Tiến hành mô phỏng ý tưởng trước khi triển khai
- Trao đổi, đánh giá về hiệu quả của giải pháp khi thực hiện và tiếp tục theo dõi, cải tiến.
|
Văn phòng NSCL tổng hợp