Hiệu quả áp dụng TPM tại Công ty Cường Vinh

Công ty TNHH Sản xuất TM-DV Cường Vinh thanh lập từ năm 1995, với hoạt động chính là sản xuất các loại động cơ điện, động cơ quạt điện. Trong suốt quá trình phát triển, Công ty Cường Vinh luôn đặt lên hàng đầu sứ mệnh: “Cung cấp động cơ điện có chất lượng cao, cho tất cả khách hàng trong nước và ngoài nước”.

Hiện công ty đang cung cấp sản phẩm cho nhiều khách hàng lớn trong nước như Bifan, Mỹ Phong, Senko, Lifan, Yanfan, Hoa Phượng, Tico, Phong Lan, 9199… Ngoài ra, sản phẩm của công ty Cường Vinh cũng đã khẳng định được uy tín tại hơn 10 quốc gia trên thế giới, điển hình như Thái Lan, Philippine, Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Đài Loan, Banglades, Myanmar, Nigiêria, Ai Cập, Jordan, Cuba, Brazil…

Trong khuôn khổ chương trình: “Hỗ trợ áp dụng thí điểm công cụ quản lý hiệu suất tổng thể (TPM) cho các doanh nghiệp ngành công nghiệp” của Bộ Công Thương cho 24 doanh nghiệp trong giai đoạn 2018-2019, Ban lãnh đạo công ty đã đăng ký tham gia chương trình từ tháng 8/2018 với phạm vi áp dụng tại dây chuyền Đúc nhôm của phân xưởng 3. 

Kết quả, việc triển khai thực hiện TPM đã mang lại cho doanh nghiệp các lợi ích sau:

  1. Thực hiện được 10 chủ đề cải tiến trong năm 2019: 6 chủ đề có hiệu quả lâu dài;
  2. Chỉ số có OEE xu hướng tăng từ 48% lên 69% (cao nhất là 74,5%);
  3. Tiết kiệm 285 triệu đồng nhờ tiết kiệm được xỉ nhôm;
  4. Giảm thời gian dừng máy (theo quy đổi việc này đồng nghĩa với tăng thêm 8400 sản phẩm mỗi tháng);
  5. Tăng độ ổn định của máy;
  6. Mở rộng áp dụng TPM cho thêm 1 dây chuyền MC của xưởng 3 từ tháng 6/2019 và sẽ mở rộng áp dụng cho toàn công ty từ tháng 1/2020.

Cụ thể:

  • Về quản lý trực quan: Công ty Cường Vinh đã thực hiện 5S trước khi làm TPM 2 tháng, (đã có chứng nhận tham gia chương trình hỗ trợ kỹ thuật – thực hiện 5S của Bộ Công Thương từ tháng 12/2018) nên khi triển khai TPM, mọi nhân viên có lòng tin về TPM sau khi đã chứng kiến thay đổi khi áp dụng 5S.
  • Về tác phong, nề nếp: toàn bộ các thành viên tại dây chuyền thí điểm TPM (dây chuyền Đúc nhôm) đều tham gia vào hoạt động TPM.
  • Về quản lý sản xuất: Số liệu OEE và thời gian dừng máy, tên lỗi được ghi chép hàng ngày. Chỉ số OEE được tính toán hàng ngày, và tổng hợp tính trung bình hàng tháng.
  • Về hiệu quả năng suất: Đảm bảo năng suất ổn định và luôn đạt chỉ tiêu (Do chỉ số OEE được giám sát hàng ngày).
  • Về hiệu quả chất lượng: Tỷ lệ lỗi được kiểm soát tốt.
  • Về hiệu quả chi phí: Tổng hiệu quả từ hoạt động Cải tiến trong khoảng thời gian 5-12/2019 là 286,5 triệu đồng. Định mức tiêu thụ năng lượng cũng được kiểm soát tốt và giảm.
  • Về hiệu quả đào tạo: Thực hiện tốt AM hoạt động đào tạo nhân viên vận hành tự quản lý máy móc thiết bị; Nhân rộng Bảo trì bảo dưỡng máy đúc 2,3,5,6,7,8 theo máy đúc 1-4 và đo lường MTBF cho từng mã lỗi. Tăng cường các OPL đào tạo nhân viên vận hành (NVVH).

Các thành tựu trên đạt được đều là nhờ sự quan tâm và nỗ lực không ngừng từ ban lãnh đạo, các vị trí Trưởng và Phó ban TPM (Phó tổng giám đốc – Trưởng ban TPM; Quản đốc xưởng 3 – phó ban TPM) cùng toàn thể Ban triển khai áp dụng TPM gồm 22 thành viên từ các phòng (Hành chính, Kế toán, Mua hàng), các xưởng sản xuất (nhân viên vận hành, nhân viên bảo trì, nhân viên QC). Không dừng lại ở đó, đội ngũ thực hiện TPM của Công ty Cường Vinh vẫn luôn duy trì mạnh mẽ các hoạt động TPM từ tháng 8/2018 cho đến nay (tháng 2/2020).

Mặt khác, Sau giai đoạn được hướng dẫn trong khuôn khổ hỗ trợ của Bộ Công Thương (tháng 6/2019), công ty đã tự thực hiện trụ cột QM (từ T8/2019; tự mở rộng phạm vi áp dụng TPM từ 1 dây chuyền thí điểm ra 2 dây chuyền (từ T6/2019), sau đó mở rộng ra toàn công ty (từ T12/2019), mở rộng cho 1 công ty vệ tinh (từ T1/2020).

Một số bài học kinh nghiệm

  • Phạm vi áp dụng phù hợp nhất: Các khu vực triển khai TPM có hiệu quả tiềm năng nhất đối với doanh nghiệp là: công đoạn máy đúc nhôm, thiết bị đúc nhôm hoạt động liên tục trong ca sản xuất, dễ xác định cycle time nên rất phù hợp để áp dụng TPM.
  • Giải pháp cải tiến đem lại hiệu quả lớn nhất: Giải pháp được doanh nghiệp hài lòng nhất là (1) Cải tiến lò – lắp thêm nắp lò để giảm tổn thất nhiệt và an toàn hơn, qua đó tiết kiệm 180 triệu/năm 2019; và (2) kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào, qua đó ổn định tỷ lệ sản phẩm tốt (giảm tỷ lệ sản phẩm lỗi – do chất lượng mẻ nguyên liệu không đạt), giúp tiết kiệm 209,3 triệu/năm 2019.
  • Giải pháp hành động giúp duy trì hoạt động TPM hiệu quả nhất: Giải pháp được doanh nghiệp hài lòng nhất và được các cán bộ hưởng ứng tốt nhất là duy trì tốt hoạt động của Ban TPM; hàng tháng có báo cáo kết quả TPM với 3 nội dung chính: 1) Chỉ số OEE tháng và đề xuất nội dung cải tiến tháng tiếp; 2) Thống kê các lỗi làm dừng máy Đúc nhôm và tổng tổn thất; 3) Kết quả cải tiến (gồm tất cả các cải tiến từ đầu năm).
  • Khó khăn lớn nhất: Quá trình thực hiện doanh nghiệp gặp khó khăn lớn nhất là: Việc áp dụng TPM bền vững cần sự tham gia của nhiều phòng ban, từ quản lý cấp cao đến quản lý cấp trung và đến người công nhân vận hành máy, do đó, cần thời gian và cần cơ chế duy trì phù hợp để TPM có thể được bắt đầu thực hiện, được duy trì và duy trì lâu dài.
  • Thông điệp với các doanh nghiệp khác là: TPM giúp quản lý công ty nhận thức được vai trò tích cực của các công cụ quản lý năng suất, chất lượng; tạo môi trường học tập liên tục trong công ty và mang lại lợi ích kinh tế cho công ty và nhân viên.

Nguồn: Vụ KH&CN

Tin mới