Hiệu quả áp dụng BSC và KPIs tại Công ty Cổ phần 26

Công ty Cổ phần 26 là một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa ngành nghề tập trung vào một số nhóm sản phẩm là giày, dép, may mặc, chế biến gỗ, sản phẩm nhựa, cho thuê văn phòng trong đó có một số sản phẩm đặc thù như nhà bạt, cánh võng, mũ cứng, mũ kêpi, cấp hiệu, phao áo cứu sinh, trang phục của các ngành. Hoạt động kinh doanh chủ yếu hiện nay của Công ty Cổ phần 26 là sản xuất quân trang và kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu cho quân đội, sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm phục vụ dân sinh.

Hiện, Công ty có gần 1.000 CBCNV và công nhân lao động với 4 phòng nghiệp vụ và 4 xí nghiệp thành viên sản xuất kinh doanh nhiều mặt hàng phục vụ bộ đội và đời sống dân sinh với doanh thu hàng trăm tỷ đồng/năm. Đời sống vật chất và tinh thần của người lao động luôn được giữ vững và không ngừng cải thiện, hài hòa với lợi ích của nhà đầu tư. Truyền thống của Công ty được đúc kết qua hơn 40 năm xây dựng và phát triển là Đoàn kết – Vượt khó – Sáng tạo.

Với tầm nhìn thương hiệu “Trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong các lĩnh vực Công ty tham gia là sản xuất giày, may mặc và đồ gỗ”, trong hơn 40 năm qua, Công ty đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, công nghệ để tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt, kiểu dáng đẹp, giá cả hợp lý. Đồng thời, luôn coi trọng sáng kiến, cải tiến hợp lý hóa trong sản xuất để hạ giá thành sản phẩm, tăng tính cạnh tranh trên thị trường, hướng tới nằm trong top những doanh nghiệp sản xuất giày có uy tín trên thị trường và từng bước có mặt ở thị trường quốc tế.

Trong quá trình phát triển, Công ty đã thực hiện một số hệ thống quản lý như ISO 9001-2015, các công cụ cải tiến như 5S, Six Sigma, Kaizen… Tuy nhiên, T9/2020 Công ty đã mạnh dạn áp dụng Bản đồ Chiến lược BSC và Bộ chỉ số đánh giá kết quả hoạt động KPIs do Bộ Công Thương tài trợ. Công ty Cổ phần 26 đã và đang có những bước tiến vững chắc dựa trên chiến lược lâu dài, hướng tới hoàn thành mục tiêu và tầm nhìn doanh nghiệp.

Được giới thiệu vào những năm đầu thập niên 90, Bản đồ chiến lược (BSC) là một trong những nền tảng hàng đầu cho quản trị chiến lược. BSC kết hợp 4 góc nhìn khác nhau trong kinh doanh – Tài chính, Khách hàng, Quy trình nội bộ doanh nghiệp, và con người – nhằm giúp các doanh nghiệp hiểu và đạt được những mục tiêu chung của tổ chức. Bản đồ Chiến lược không tạo ra chiến lược, thay vào đó, nó tổ chức, sắp xếp lại chiến lược ở một hình thức mà chúng ta có thể dễ dàng quan sát, trao đổi.

Bộ chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPIs) là một phần quan trọng trong hệ thống thông tin nội bộ doanh nghiệp. KPIs là công cụ cần thiết giúp cho các doanh nghiệp xác định mức độ đạt được mục tiêu kinh doanh. Với KPIs, các cấp quản lý cũng như các nhân viên trong doanh nghiệp có thể nhận thức được là từng cá nhân, bộ phận hay toàn doanh nghiệp có đang đi đúng hướng hay không và nếu không thì đâu là điểm cần được chú ý.

Sự kết hợp của BSC và KPIs không chỉ giúp doanh nghiệp chuyển đổi tầm nhìn và chiến lược thành mục tiêu, chỉ tiêu đánh giá bộ máy nhân sự mà còn góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển bền vững thông qua việc quản lý và đo lường hiệu suất, chỉ tiêu định hướng, nhằm phản ánh hiệu quả hoạt động của từng phòng ban, cá nhân trong doanh nghiệp. Trong khi BSC chỉ giúp triển khai các chiến lược thành các mục tiêu chiến lược và mục tiêu cho các viễn cảnh tài chính, khách hàng, nội bộ và nghiên cứu phát triển, thì KPI sẽ giúp triển khai các mục tiêu chiến lược đến các phòng ban, bộ phận và đặc biệt là từng cá nhân trong doanh nghiệp.

Từ tháng 1 năm 2020, Công ty Cổ phần 26 – Bộ Quốc Phòng đã kết hợp với Nhóm Chuyên gia tư vấn từ Đại học Kinh tế Quốc dân để áp dụng triển khai BSC và KPIs cho các phòng Tài chính Kế toán, Kế hoạch sản xuất kinh doanh, Chính trị hậu cần, Kỹ thuật.
Các chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân đã cùng Công ty Cổ phần 26 đi qua 6 bước để lập Bản đồ chiến lược BSC chi tiết như sau:

● Bước 1: Phát triển các mục tiêu chiến lược
● Bước 2: Xây dựng Bản đồ chiến lược
● Bước 3: Tạo ra các thước đo hiệu suất
● Bước 4: Xác lập các mục tiêu, KPIs ( Key Performance Index)
● Bước 5: Xác định các hành động ưu tiên
● Bước 6: Phân tầng Bản đồ chiến lược BSC đến các cấp phòng ban với bộ chiến lược KPIs cụ thể

Một số hoạt động đã thực hiện trong quá trình áp dụng BSC và KPIs tại Công ty Cổ phần 26:

● Chuẩn bị: Công ty đã thành lập Ban chỉ đạo chuyên trách và giao nhiệm vụ cho lãnh đạo cấp trung trực tiếp theo sát cán bộ, công nhân viên trong việc tuân theo các tiêu chí KPIs để đạt được chiến lược đã đề ra trong chiến lược được lập từ công cụ BSC. Ban chỉ đạo chuyên trách đã liên tục làm việc với các phòng ban để huy động sự tham gia đầy đủ các cán bộ công nhân viên Công ty Cổ phần 26.
● Đào tạo: Ngoài những thành viên trong các phòng ban trực tiếp áp dụng BSC và KPIs được đào tạo riêng, công ty còn lồng ghép thống nhất nhận thực cho toàn bộ công nhân viên vào các buổi chào cờ đầu tuần để mọi người có cái nhìn đúng về công cụ quản trị BSC và KPIs.

● Tuyên truyền, quảng bá: Công ty đã có bài truyền thông nội bộ và trên các kênh truyền thông mạng xã hội để phổ biến về việc ứng dụng BSC và KPIs đến toàn thể người lao động cũng như cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan như khách hàng và nhà cung ứng.
Quá trình áp dụng triển khai BSC và KPIs, Ban lãnh đạo Công ty luôn theo dõi và quan tâm tới hoạt động của dự án. Các CBCNV cũng đang dành thời gian để hiểu sâu về KPIs để đưa ra các chỉ tiêu đo lường rõ ràng và hiểu rõ về nhiệm vụ của bản thân nhằm nâng cao chất lượng công việc.

Nguồn: Viện Thương mại & Kinh tế quốc tế

Tin mới