Giới thiệu về ISO/TS 16949
ISO/TS 16949:2009 là một tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng dành riêng cho các nhà cung cấp linh kiện Ô tô, ISO/TS 16949:2009 có tên gọi đầy đủ dịch ra tiếng việt là Hệ thống quản lý chất lượng – Các yêu cầu cụ thể dành cho việc áp dụng ISO 9001:2008 đối với các tổ chức sản xuất Ô tô và cung cấp các dịch vụ, linh kiện Ô tô.
Phiên bản đầu tiên của IATF (ISO/TS 16949) được ban hành vào năm 1999 và gọi là ISO/TS 16949:1999. Phiên bản thứ nhất này được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ISO 9000:1994. Sau ba lần sửa đổi (năm 2002, 2009, 2016), phiên bản mới nhất IATF 16949:2016 được xây dựng dựa trên tiêu chuẩn ISO 9000:2015. Từ phiên bản thứ 3, tiêu chuẩn này bỏ chữ ISO, và gọi là tiêu chuẩn IATF 16949:2016.
Vì ISO/TS 16949 dựa trên nền tản của ISO 9001, kết hợp với QS 9001 và VDA 6.1 nên cấu trúc của tiêu chuẩn ISO/TS 16949:2009 giống với cấu trúc của tiêu chuẩn ISO 9001 tuy nhiên tương ứng với mỗi điều khoản của ISO 9001 thì ISO/TS 16949 bổ sung thêm các điều khoản khác với độ khó cao hơn rất nhiều so với ISO 9001. Để ứng dụng được ISO/TS 16949, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu nêu trong ISO/TS 16949, thì doanh nghiệp phải áp dụng thường xuyên 5 công cụ chính yếu của ISO/TS 16949 (5 Core tools) sau:
- FMEA (Potential Failure Mode and Effects Analysis) – Phân tích hình thức sai lỗi tiềm ẩn và tác động của các hình thức sai lỗi tiềm ẩn.
- SPC (Statistical Process Control) – công cụ “Kiểm soát quá trình bằng thống kê” (chú ý công cụ SPC của ISO/TS 16949 không phải là 7 QC tools thường áp dụng của người Nhật, rất nhiều người lầm lẫn về công cụ này).
- MSA (Measurement System Analysis) – công cụ “Phân tích hệ thống đo lường”
- APQP (Advanced Product Quality Planning and Control Plan) – công cụ “Cách thức hoạch định tiên tiến về chất lượng sản phẩm phẩm và kế hoạch kiểm soát”.
- PPAP (Production Part Approval Process) – công cụ “Quá trình phê duyệt sản xuất (hàng loạt)”
5 công cụ chính yếu này liên tục được tổ chức AIAG (Automotive Industry Action Group) (một tổ chức được IATF ủy quyền biên soạn, sửa đổi, ban hành) liên tục cập nhật mới nội dung, vì vậy để ứng dụng hiệu quả ISO/TS 16949 cũng như đảm bảo kết quả đánh giá chứng nhận ISO/TS 16949 luôn tốt, các doanh nghiệp áp dụng ISO/TS 16949 cần phải thường xuyên cập nhật phiên bản mới nhất của các công cụ này.
Hiện trạng áp dụng ISO/TS 16949
Năm 2015, tổ chức ISO quốc tế đã thực hiện khảo sát hiện trạng áp dụng hệ thống quản lý ISO/TS 16949 trên thế giới. kết quả cho thấy, đã có 62944 tổ chức được cấp chứng chỉ ISO/TS 16949:2009. Khảo sát cho thấy trên thế giới có 89 nước có tổ chức đạt chứng chỉ ISO/TS 16949:2009. Các nước đứng đầu về số tổ chức có chứng chỉ ISO/TS 16949:2009 là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Đức, Nhật, Thái Lan, Mê hi cô, Ý, Đài Loan, Braxin, Pháp. Trong đó áp dụng nhiều nhất là Trung Quốc, với 25498 tổ chức đạt chứng chỉ; nhiều gấp 5 lần so với nước đứng thứ 2 là Hàn Quốc.
Nguồn: số liệu khảo sát của tổ chức ISO quốc tế
Trong 89 nước này, có 5 nước Đông Nam Á gồm Thái Lan (đứng thứ 6), Malaixia (đứng thứ 20), Indonexia (đứng thứ 24) Việt Nam (đứng thứ 31), Philippin (đứng thứ 33).
Văn phòng NSCL tổng hợp