Hiện trạng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trong ngành Dệt may Việt Nam

Ngành Dệt may cần thực hiện Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001

Ngành Dệt may Việt Nam là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, xuất khẩu nhiều, đóng góp lớn vào GDP, đồng thời cũng là ngành gặp phải cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế. Không ít doanh nghiệp trong ngành đã ý thức được việc nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm là hoạt động tạo giá trị gia tăng cho doanh nghiệp, giúp cho công tác quản lý chất lượng tại các đơn vị, cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm.

Công tác quản lý năng suất, chất lượng sản phẩm tại các DN dệt may thông qua các hệ thống quản lý, tiêu chuẩn… được quan tâm, đầu tư đã mang lại hiệu quả cao hơn so với những phương pháp quản lý trước đây. Nhưng so với các nước và khu vực, năng suất lao động tại các DN áp dụng vẫn còn thấp hơn mặt bằng chung. Cụ thể: Chỉ bằng 1/3 so với DN tại Hồng Kông (Trung Quốc), bằng 1/4 so với Trung Quốc và bằng 1/8 so với Hàn Quốc… Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến giá thành và làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm.

Do vậy, theo Ông Nguyễn Văn Thông – Viện trưởng Viện Dệt May, doanh nghiệp Dệt may cần chú trọng tăng cường áp dụng hệ thống quản lý chất lượng mới, hiện đại… Ngoài ra, các tiêu chuẩn chất lượng phải đi đôi với các chương trình quản lý và chứng nhận chất lượng, nhằm củng cố hình ảnh quốc tế và danh tiếng của các nhà sản xuất dệt may Việt Nam.

Khái niệm ISO 9001

ISO 9001 là tiêu chuẩn quy định các yêu cầu đối với việc xây dựng và chứng nhận một hệ thống quản lý chất lượng tại các tổ chức/doanh nghiệp. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc cơ bản để quản lý các hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp về vấn đề chất lượng thông qua 5 yêu cầu sau:

  1. Hệ thống quản lý chất lượng
  2. Trách nhiệm của lãnh đạo
  3. Quản lý nguồn lực
  4. Tạo sản phẩm
  5. Đo lường, phân tích và cải tiến

Xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001 (hiện nay là ISO 9001:2015) sẽ giúp các tổ chức/doanh nghiệp thiết lập được các quy trình chuẩn để kiểm soát các hoạt động, đồng thời phân định rõ việc, rõ người trong quản lý, điều hành công việc. Hệ thống quản lý chất lượng sẽ giúp CBNV thực hiện công việc đúng ngay từ đầu và thường xuyên cải tiến công việc thông qua các hoạt động theo dõi và giám sát. Một hệ thống quản lý chất lượng tốt không những giúp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và sự thỏa mãn của khách hàng và còn giúp đào tạo cho nhân viên mới tiếp cận công việc nhanh chóng hơn.

Hiện trạng áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trên thế giới và tại Việt Nam

Trên thế giới, Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 có số cấp chứng nhận nhiều nhất (1,1 triệu chứng nhận năm 2013 so với 300.000 chứng nhận ISO 14001). Tại Việt Nam, chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đầu tiên được cấp năm 1995, sau đó số lượng tăng dần qua các năm. Tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã có 47737 chứng chỉ ISO 9001 được cấp.

Hiện trạng áp dụng ISO 9001 trong các doanh nghiệp Dệt may Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp Dệt may năm 2015, có 47 doanh nghiệp Dệt May đã áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001, chiếm tỷ lệ cao nhất so với các tiêu chuẩn khác (ISO 14001, ISO 50001, OHSAS 18001, SA 8001). Theo đó, 100% các công ty Dệt có chứng nhận Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đều là các công ty có xuất khẩu.

Tỷ lệ các công ty Nhà nước áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 và tỷ lệ các công ty tư nhân áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 là tương đương, thể hiện áp lực chung của các doanh nghiệp Dệt may xuất khẩu (không phân biệt Nhà nước hay tư nhân) là thỏa mãn khách hàng quốc tế và cùng chịu sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng theo khảo sát này, phần lớn các doanh nghiệp Dệt máy có chứng chỉ ISO 9001 đều là doanh nghiệp quy mô vừa hoặc lớn (theo quy mô lao động và quy mô vốn đầu tư).

Ngoài ra, để tăng sức cạnh tranh và đảm bảo về Môi trường và trách nhiệm xã hội (do đặc thù có nhiều lao động), kết quả khảo sát còn cho thấy các doanh nghiệp Dệt may thường có thêm chứng nhận ISO 14001, OHSAS 18001, SA 8001 và cá biệt có một công ty đã áp dụng ISO 50001 nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng.

Các công cụ năng suất chất lượng được áp dụng trong hệ thống quản lý chất lượng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 phổ biến là: Thực hành tốt 5S (56%), Quản lý tinh gọn (34%), Phương pháp cải tiến Kaizen (23%), Chỉ số đánh giá KPI (19%), Nhóm kiểm soát chất lượng (QCC) (17%)…và nhiều công cụ khác.

Để thúc đẩy hoạt động năng suất chất lượng tại Việt Nam nói chung và ngành Dệt may nói riêng; trong đó có hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001; Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chương trình dự án năng suất chất lượng. Ở cấp quốc gia, chính phủ đã ban hành quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2010 về việc phê duyệt “chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Trên cơ sở quyết định 712, các bộ và tỉnh/thành phố liên quan đã ban hành chương trình năng suất chất lượng. Theo các chương trình này, mức hỗ trợ chứng nhận áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 trung bình từ 20 đến 50 triệu cho 1 doanh nghiệp như tại tỉnh Quảng Ngãi, Bà Rịa Vũng Tàu… hoặc từ 30% -50% chi phí thực hiện chứng nhận như tỉnh Bến Tre, An Giang, Bình Phước, Ninh Thuận…

Tin mới