Hiện trạng áp dụng các Hệ thống quản lý tại doanh nghiệp ngành Dệt may

Trong những năm gần đây, ngành Dệt may là một trong những ngành có đóng góp hàng đầu vào tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Từ năm 2011, dệt – may đã trở thành một trong những ngành kinh tế lớn nhất cả nước về quy mô và tầm vóc với doanh thu đạt 20 tỷ USD, chiếm 15% GDP và trở thành ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu, đạt 14 tỷ USD, chiếm 14,54% tổng kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào top 5 nước xuất khẩu dệt – may lớn nhất thế giới. Dệt – May Việt Nam cũng đã khẳng định được vị thế trên thị trường quốc tế khi có mặt ở hàng trăm quốc gia, xuất khẩu vào những thị trường yêu cầu cao về chất lượng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Xuất khẩu hàng dệt – may cũng đạt được những kết quả tăng trưởng khá ấn tượng. Tổng giá trị xuất khẩu hàng dệt – may đã tăng liên tục từ mức 1,15 tỷ USD vào năm 1996 lên khoảng 27,1 tỷ USD vào năm 2015. Về đổi mới công nghệ, “hiện trạng thiết bị của ngành May mặc đã được đổi mới và hiện đại hoá đến 90%. Các sản phẩm đã có chất lượng ngày một tốt hơn, và được nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, EU, và Nhật Bản chấp nhận”. Theo khảo sát sơ bộ, các Doanh nghiệp ngành Dệt may hiện nay đang áp dụng nhiều Hệ thống quản lý như: ISO 9001, ISO 14001, OHSAS 18001, SA 8000 và một số công cụ NSCL như: 5S, Kaizen. Theo kêt quả khảo sát về năng suất, chất lượng năm 2015, 45% DN sản xuất thuộc ngành Dệt may trong số các doanh nghiệp phản hồi, có ít nhất một chứng chỉ áp dụng HTQL. Hình dưới cho thấy phần trăm và thứ tự phổ biến áp dụng các HTQL trong ngành Dệt may là ISO 9001, SA 8000, ISO 14001, OHSAS 18001.
Phần trăm chứng chỉ về các HTQL trong ngành Hóa chất so với số doanh nghiệp phản hồi

Tỷ lệ DN dệt may có chứng chỉ về các HTQL so với số DN phản hồi khảo sát.

Kết quả SA 8000 có mức độ phổ biến thứ 2 sau ISO 9001, cho thấy sự thay đổi đáng kể so với năm 2010. Năm 2010, theo ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhiều DN Dệt may còn không mặn mà với SA 8000, chỉ có khoảng 35 DN Dệt may có chứng chỉ SA 8000. Tại thời điểm đó, nguyên nhân ít DN có chứng chỉ SA 8000 do phải tốn chi phí đánh giá mỗi 3 năm (khoảng 10.000 USD/lần), và mỗi khách hàng quốc tế sẽ đề nghị 01 tổ chức giám định riêng dẫn đến 01 DN phải thỏa mãn nhiều tổ chức giám định khác nhau. Tuy nhiên, đến 2015, kết quả khảo sát cho thấy, SA 8000 đã được nhiều DN Dệt may quan tâm, và đứng thứ 2 về tỷ lệ áp dụng (chỉ sau Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001). Về ISO 14001, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết “…việc doanh nghiệp gia tăng đầu tư trang thiết bị chuyên dụng để xử lý môi trường, góp phần tạo dựng hình ảnh của một ngành công nghiệp xuất khẩu lớn có vị thế trên thị trường dệt may toàn cầu”; do đó, có thể lý giải đây là một trong những nguyên nhân chủ yếu giúp ISO 14001 phổ biến tại các DN sản xuất thuộc ngành Dệt may.

Văn phòng NSCL

Nguồn: Báo cáo khảo sát năng suất, chất lượng của công ty CP Tư vấn EPRO năm 2015.

Tin mới