Kế hoạch kinh doanh truyền thống có rất nhiều tác dụng; và thông thường người ta cho rằng bằng cách khuyến khích các nhà quản trị doanh nghiệp xem xét tất cả những gì cấu thành nên một hoạt động kinh doanh thành công, từ cấu trúc pháp lý tới các kế hoạch marketing để dự báo tài chính, v…v…, thì công việc kinh doanh sẽ có khả năng thành công cao hơn.
Phương pháp đi theo và bám sát một kế hoạch kinh doanh truyền thống để khởi đầu triển khai một dự án kinh doanh đồng thời cũng gặp một số chỉ trích. Một vài phê bình phổ biến là các kế hoạch kinh doanh thường được dựa trên những nhận định và giả thuyết chưa được chứng minh, quá trình này rất tốn thời gian, và thường các kế hoạch truyền thống không quan tâm đúng mức tới khách hàng để có thể tạo nên một sức cạnh tranh thực sự từ lúc bắt đầu. Một kế hoạch kinh doanh trọn vẹn cũng có thể khiến cho nhà quản trị doanh nghiệp nảy sinh một số cảm giác hoặc niềm tin sai lầm và trong một số trường hợp, có thể khiến cho các nhà khởi nghiệp đầu tư quá mức vào một mô hình kinh doanh chưa đảm bảo và chưa chắc chắn. Việc đầu tư quá mức như vậy đặc biệt phổ biến tại các doanh nghiệp gạch vữa hoặc doanh nghiệp phố lớn, bởi vì những công việc kinh doanh này thường đòi hỏi một khoản đầu tư trả trước khá lớn vào thiết bị, chính sách bảo hiểm và không gian vật lý.
Tôi thường sử dụng câu ngạn ngữ cổ, “Bạn định làm thế nào để đến nơi nếu như bạn không biết mình đang đi đâu?” khi nói chuyện với các chủ doanh nghiệp về tác dụng của kế hoạch kinh doanh. Nhưng kế hoạch kinh doanh truyền thống không phải là cách duy nhất để cân nhắc xem xét một mô hình kinh doanh.
Trong Văn phòng Phát triển Kinh doanh của SBA, chúng tôi đã theo dõi chặt chẽ sự phát triển của một phương pháp khởi động dự án khác, sử dụng một tập hợp các quy trình và thuật ngữ có tên gọi là Hệ phương pháp khởi nghiệp tinh gọn. Vậy, “tinh gọn” là gì và tại sao chúng tôi lại cho rằng phương pháp này có tiềm năng củng cố nhiều doanh nghiệp phố lớn?
Đúng như tên gọi của nó, tinh gọn được bắt nguồn từ việc giảm thiểu những chi phí đầu vào tốn kém và quá trình lập kế hoạch tốn thời gian. Sự tinh gọn đã làm thay đổi rõ rệt quá trình lập kế hoạch kinh doanh, và khởi đầu từ quan điểm lấy khách hàng làm trung tâm.
Khi các phương pháp tinh gọn đã trở nên rất phổ biến trong lĩnh vực khởi nghiệp ngành công nghệ, nguyên tắc tinh gọn có tiềm năng rất lớn trong việc hỗ trợ các chủ doanh nghiệp ở những lĩnh vực khác ngoài công nghệ.
Sau đây là một vài trong số những điểm nổi bật của phương pháp tinh gọn:
–
Khung mô hình kinh doanh – Khung mô hình kinh doanh là một khuôn mẫu cho việc hình dung và phân tích một mô hình kinh doanh và đánh giá xem có cần thiết phải thay đổi cơ sở căn bản hay không. Nó thường được trình bày như là một phương án tập trung hơn, hiệu quả hơn để thay thế cho một kế hoạch kinh doanh truyền thống. Xét về những khía cạnh khác, nó buộc các công ty phải phác thảo cơ cấu chi phí, tài sản cốt yếu, các cơ hội và đe dọa. Điều quan trọng nhất có lẽ là, nó đòi hỏi họ phải hiểu rõ khách hàng tiềm năng của mình là ai.
–
“Sản phẩm khả thi tối thiểu” (MVP) – MVP là một loại sản phẩm thử nghiệm: một phiên bản thử của sản phẩm mới, có tác dụng giúp đội ngũ nghiên cứu kiểm tra các giả thuyết và nhận định về thị hiếu khách hàng và nhu cầu đầu tư trả trước tối thiểu.
–
Phỏng vấn khách hàng và quay vòng sản phẩm – Doanh nghiệp tinh gọn nên liên tục tái đánh giá các dịch vụ của mình để đảm bảo rằng họ đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Điều này cần đến các cuộc phỏng vấn khách hàng với quy mô rộng rãi trước và sau sự ra mắt của một sản phẩm hay dịch vụ. Doanh nghiệp nên nhanh chóng thích ứng các dòng sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình với tình hình thực tế, và phải sẵn sàng thực hiện quay vòng sản phẩm nếu kết quả nghiên cứu thị trường cho thấy cần phải thay đổi.
Gần đây, SBA cho ra mắt “Cuộc thi Đào tạo Tinh gọn cho các doanh nghiệp phố lớn” như một cách để giới thiệu hệ phương pháp tinh gọn đến các doanh nghiệp ở ngoài lĩnh vực công nghệ cao. Thông qua sáng kiến này, các thành viên mạng lưới đối tác tài nguyên của SBA (Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Nhỏ, Trung tâm Kinh doanh của Phụ nữ, Trung tâm Tiếp cận SCORE và Cựu chiến binh) đang cạnh tranh để có cơ hội được học một chương trình đang rất được quan tâm, đó là Chương trình Đội ngũ Đổi mới (I-Corps) của Quỹ Khoa học Quốc gia, áp dụng đối với nhu cầu của các doanh nghiệp nhỏ trên toàn nước Mỹ.
Văn phòng NSCL biên dịch
Nguồn: www.sba.gov