Hậu Giang: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa

Nhiều mặt hàng, sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp được nâng cao chất lượng, quy mô sản xuất được ổn định,… đó là những hiệu quả mà dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020” (dự án) đã làm được trong 3 năm qua.

Dự án đã hỗ trợ Công ty Casuco nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đoạt Giải vàng chất lượng Quốc gia năm 2014.

Dự án đã hỗ trợ Công ty Casuco nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đoạt Giải vàng chất lượng Quốc gia năm 2014.

Dự án đã hỗ trợ cho 4 lượt doanh nghiệp gồm: Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản Long Phú tham gia xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm BRC và Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế IFS cũng được dự án hỗ trợ chi phí đào tạo, tư vấn, chi phí đánh giá chứng nhận với gần 38 triệu đồng; Công ty TNHH Thanh Khôi xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn GMP, chi phí tư vấn xây dựng và chi phí đánh giá chất lượng với số tiền 39 triệu đồng. Đáng kể nhất là sự kiện Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) tham dự Giải thưởng chất lượng Quốc gia năm 2014 và đoạt Giải vàng chất lượng Quốc gia. Công ty Casuco còn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ vì có nhiều đóng góp cho phong trào áp dụng hệ thống quản lý chất lượng giai đoạn 2012-2014. Sắp tới, Công ty Casuco sẽ tiếp tục tham gia dự án với Hệ thống Quản lý năng lượng, Tiêu chuẩn ISO 50001:2011. Áp dụng hệ thống này sẽ giúp đơn vị sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả, mang lại những lợi ích đáng kể trong thời gian tới.

Từ năm 2012 đến nay, thực hiện dự án, các thành viên trong Ban Điều hành và Tổ giúp việc dự án đã phối hợp với nhiều cơ quan liên quan thành lập xây dựng “Tổ xây dựng nhãn hiệu nông sản tỉnh Hậu Giang” xúc tiến xây dựng và đăng ký 5 nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp. Đến nay, các sản phẩm chanh không hạt Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cá rô Hậu Giang, lúa Hậu Giang 2 đều đã được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ nhãn hiệu. Hiện tại, tổ đang xây dựng nhãn hiệu cho cam xoàn Phụng Hiệp và xoài cát Bảy Ngàn.

Tuy nhiên, việc thực hiện giai đoạn 1 của dự án còn gặp những hạn chế nhất định nên kết quả chưa đạt mức tối đa. Mặc dù cơ quan quản lý đã tích cực tuyên truyền, vận động nhưng các doanh nghiệp tham gia còn hạn chế, chỉ tập trung sản xuất, tiêu thụ hàng hóa. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tỉnh chưa quan tâm đến các vấn đề cải tiến năng suất, chất lượng; chưa mạnh dạn đổi mới công nghệ, thiết bị, dây chuyền sản xuất. Chính những cách nhìn, suy nghĩ hạn chế của doanh nghiệp sẽ làm cho năng suất, chất lượng hàng hóa vẫn cũ kỹ, khó cạnh tranh với các sản phẩm được sản xuất từ dây chuyền, công nghệ hiện đại, hệ thống quản lý chất lượng khác.

Ông Trần Bá Quang, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, cho rằng: “Sự hợp tác chặt chẽ của các doanh nghiệp là khâu then chốt để dự án thành công như mục tiêu nâng cao năng suất chất lượng. Vì vậy, tôi kêu gọi các doanh nghiệp tích cực phối hợp, thực hiện hiệu quả các mô hình, chương trình trong dự án đề ra để có thể đạt kết quả tốt nhất. Doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm tốt nhất, chất lượng nhất, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị hàng hóa, ngày càng mang đến sự phát triển kinh tế bền vững, phồn thịnh cho Hậu Giang”.

Tại Hội nghị Tổng kết Thập niên chất lượng lần thứ 2 (2006-2015) và tổng kết giai đoạn I (2010-2015) Chương trình Quốc gia năng suất chất lượng (Chương trình 712) ngày 15-9 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh đã nhận định: Thập niên chất lượng lần 2 (2006-2015) có những bước tiến quan trọng trên chặng đường nâng cao chất lượng hàng hóa và hội nhập quốc tế; tạo lập uy tín chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

Tiếp nối và thực hiện chỉ đạo của Trung ương, hướng đến giai đoạn 2016-2020, tỉnh Hậu Giang sẽ thực hiện hiệu quả các chương trình Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020. Tập trung vào các nhiệm vụ hỗ trợ về quản lý và kỹ thuật cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; thực hiện một số giải pháp như: tăng cường sự chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc của cấp quản lý; tăng cường năng lực của các cơ quan chuyên môn; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, học hỏi kinh nghiệm; ưu tiên bố trí kinh phí; thực hiện phối hợp, lồng ghép các nhiệm vụ của Chương trình quốc gia Năng suất chất lượng với các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội của ngành, địa phương; tôn vinh các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động năng suất và chất lượng. Trong đó, phấn đấu có ít nhất 80% các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực áp dụng các hệ thống quản lý; công cụ cải tiến năng suất và chất lượng tiên tiến; 90% sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp,…

Bài, ảnh: TRÚC LINH_http://www.tcvn.gov.vn

Tin mới