Với nguồn vốn hỗ trợ từ nguồn khuyến công quốc gia, các cơ sở sản xuất thủ công nhỏ, đặc biệt là các cơ sở sản xuất sản phẩm bánh, kẹo ở tỉnh Hậu Giang đã được hỗ trợ đầu tư, cải tiến quy trình máy móc để có thể cung cấp cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng.
Cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng
Là một cơ sở sản xuất nhỏ trên địa phận phường I, thành phố Vị Thanh, Song Phụng là một cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng truyền thống theo phương thức thủ công. Chính vì vậy, sản phẩm của cơ sở hiện nay đã không còn đảm bảo được chất lượng cũng như độ thẩm mỹ so với yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu dùng.
Đứng trước thực trạng khó khăn, ông Lưu Vĩnh Thuận, chủ cơ sở đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm thay đổi quá trình sản xuất. Cụ thể:
- Cơ sở đã đầu tư gần 500 triệu đồng mua máy rang đậu, máy bóc vỏ, máy cắt kẹo, nhờ đó, sản phẩm kẹo đậu phộng ra lò có kích thước nhỏ và đồng đều hơn, chất lượng sản phẩm kẹo được nâng cao. Ngoài ra việc sử dụng các máy móc tự động cũng giúp cho quy trình sản xuất được rút ngắn thời gian.
- Trong năm 2015, với nguồn vốn của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh Hậu Giang hỗ trợ 100 triệu đồng và nguồn vốn sẵn có, Song Phụng đã đầu tư máy cắt kẹo 3 dao cho phép quá trình cắt nhanh hơn gấp đôi so với máy cũ, cho ra sản phẩm đẹp mắt hơn.
- Vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, cũng được cơ sở sản xuất bánh kẹo đặt lên hàng đầu, các khâu sơ chế, sản xuất và đóng gói được bố trí hợp lý.
Kết quả, mỗi năm cơ sở sản xuất kẹo đậu phộng Song Phụng cho ra lò hàng chục tấn kẹo đậu phộng cung cấp cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Năng suất lao động của cơ sở tăng gấp 3 lần so với trước. Trong thời gian tới, Song Phụng có kế hoạch sẽ đầu tư máy đóng gói bao bì tự động cho kẹo với trọng lượng 400-500g để khép kín quá trình sản xuất theo hướng tự động hóa.
Công ty TNHH sản xuất bánh tráng Lộc Phát
Mặc dù là một cơ sở sản xuất nhỏ, tuy nhiên ngay từ khi mới thành lập, Công ty Lộc Phát đã biết sự ảnh hưởng của máy móc đến năng lực sản xuất. Do vậy, các thành viên đã quyết tâm phải đầu tư máy móc và sử dụng công nghệ hiện đại trong làm bánh. Với sự tiếp sức của Trung tâm Khuyến công tỉnh, công ty Lộc Phát đã đầu tư máy cán bánh tráng trị giá 200 triệu đồng.
Ông Hà Tấn Lực, Giám đốc Công ty chia sẻ nếu làm theo phương pháp tráng thủ công, với năng suất hiện tại là 4.000 bọc bánh/ngày thì số ngày làm phải tăng 4 lần và nhân công khoảng 20 người mới đảm đương kịp. Trong khi đó, với các máy móc hiện có, công ty chỉ cần khoảng 12 nhân công. Hơn nữa điều quan trọng nhất khi sử dụng máy móc đó là bánh cán ra có chất lượng đồng đều và ít bị hư so với phương pháp thủ công.
Chỉ qua hai ví dụ cụ thể, có thể thấy hoạt động khuyến công của tỉnh Hậu Giang đã phần nào hỗ trợ được các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ từng bước hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng cũng như năng lực sản xuất của các sản phẩm thủ công địa phương.
Văn phòng NSCL tổng hợp