Hài hòa tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế

Tính hết năm 2019, Việt Nam đã tham gia ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Để giúp các doanh nghiệp (DN) mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia (TCQG) phải hài hòa với quốc tế và khu vực.

Giúp mở rộng xuất khẩu

Hệ thống TCQG hiện nay có khoảng 11.500 tiêu chuẩn với tỷ lệ 54% hài hòa với khu vực và quốc tế, do 13 bộ quản lý chuyên ngành xây dựng. Đặc biệt, trong giai đoạn hội nhập sâu với quốc tế như hiện nay, tiêu chuẩn hài hòa với quốc tế sẽ giúp các DN mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường quốc tế.

Ông Hoàng Mạnh Tân – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sơn Hà – cho biết, hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn giúp DN trong các vấn đề nội tại như giảm thiểu tỷ lệ hàng hóa phi tiêu chuẩn; giảm thiểu tỷ lệ nghiên cứu về những sản phẩm hàng hóa mới; nâng cao sự phối hợp với các nhà cung ứng đối với khách hàng, giúp nâng cao chất lượng, uy tín của DN. Hiện, sản phẩm của Sơn Hà đã xuất khẩu đến nhiều quốc gia trên thế giới, nên ngoài việc chấp hành tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, việc áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước rất quan trọng, giúp giảm thiểu nhiều công việc và chi phí cho DN…

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Bích – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị điện Đồng Nai (THIBIDI) – cho rằng, mục đích của hội nhập là tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của DN Việt Nam xâm nhập các thị trường nước ngoài, tạo điều kiện cho người tiêu dùng trong nước sử dụng các sản phẩm của các nước khác nhau. THIBIDI Đồng Nai hướng tới xuất khẩu các sản phẩm ra nước ngoài nên việc có tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn hài hòa với thế giới, sẽ giúp đối tác từ các nước khác tin tưởng hơn vào sản phẩm của THIBIDI. Khi đó, công ty có thể dễ dàng đưa sản phẩm mở rộng ra thị trường nhiều nước trên thế giới. Tiêu chuẩn Việt Nam mang tính hài hòa, tương thích cao với các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là một thuận lợi cho DN trong quá trình sản xuất, phân phối sản phẩm nội địa cũng như xuất khẩu ra nước ngoài…

Thu hẹp khoảng cách

Theo ông Trần Văn Học – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật Tiêu chuẩn và Chất lượng Việt Nam, tiêu chuẩn là công cụ của nhà sản xuất và nhà kinh doanh, thế nhưng lâu nay, thường do cơ quan nhà nước công bố tiêu chuẩn, sau đó các DN áp dụng. “Tiêu chuẩn xuất phát từ DN, phải do DN đề xuất, định ra tiêu chuẩn, vì không ai khác ngoài DN thấu hiểu sản phẩm cần như thế nào, thể hiện ra sao…” – ông Trần Văn Học nêu ý kiến.

Để thu hẹp khoảng cách tỷ lệ hài hòa giữa hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam với quốc tế, Việt Nam cần xã hội hóa thúc đẩy càng nhanh càng tốt quá trình tiêu chuẩn hóa, từ công đoạn lập quy hoạch, kế hoạch hàng năm để xây dựng cho đến soạn thảo, công bố và phát hành. Do vậy, vai trò của DN trong các khâu rất quan trọng, kể từ khâu lập quy hoạch, kế hoạch tham gia vào quá trình làm tiêu chuẩn và cuối cùng là thực thi.

Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến hệ thống tiêu chuẩn quốc gia nhằm thực thi hiệu quả các FTA mà Việt Nam đã và sẽ ký kết; tận dụng cơ hội phòng ngừa, giảm thiểu các thách thức do tranh chấp quốc tế, nhất là tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế. Đồng thời, tăng cường tham gia vào hoạt động của các tổ chức tiêu chuẩn quốc tế hàng đầu, phát triển những mối quan hệ song phương với tổ chức tiêu chuẩn của nước ngoài khác…

Việc thực hiện tốt những mục tiêu sẽ góp phần giảm bớt và tiến tới xóa bỏ những rào cản kỹ thuật không cần thiết trong thương mại, xây dựng những hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Nguồn: congthuong.vn

Tin mới