Hà Nam: Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ở Hà Nam đã và đang được hưởng lợi từ các nguồn hỗ trợ của chương trình khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Hoạt động khuyến công đang từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn (CNNT), góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tính riêng năm 2017, khuyến công Hà Nam đã tạo dược dấu ấn trong sự phát triển công nghiệp nông thôn của tỉnh. Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam (Trung tâm) đã triển khai thực hiện 6 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và 3 đề án từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, với tổng kinh phí hỗ trợ đạt trên 3,2 tỷ đồng. Trong đó, có 8 đề án được triển khai để hỗ trợ các cơ sở CNNT ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất các mặt hàng như may mặc, giầy dép da, tôn múi, than củi…Các đề án đã và đang phát huy hiệu quả, kịp thời giúp các doanh nghiệp cải tiến công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, tích cực xây dựng và quảng bá thương hiệu. Còn 01 đề án về tổ chức Hội chợ Công nghiệp – Thương mại đồng bằng sông Hồng – Hà Nam 2017, quy mô cấp quốc gia, được triển khai thực hiện đã hỗ trợ 200 đơn vị và cơ sở CNNT một phần kinh phí thuê gian hàng để tham gia hội chợ.

Trong năm qua, những cơ sở được hỗ trợ kinh phí ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất được phân bổ khắp các huyện trong tỉnh là Cơ sở sản xuất Cộng đồng HT, Công ty TNHH Kim Long (Duy Tiên), Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại Ngân Hà, Công ty TNHH dịch vụ và thương mại Thu Hà (Thanh Liêm), Công ty TNHH Dũng Chung (Bình Lục), Hộ kinh doanh Vũ Thị Mơ (Kim Bảng), Công ty TNHH Dệt may Nga Thành (Lý Nhân). Các cơ sở CNNT sử dụng kinh phí hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ chính sách pháp luật cũng như các quy định về quản lý hoạt động khuyến công, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong phát triển sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, Cơ sở sản xuất cộng đồng HT (huyện Duy Tiên) do anh Nguyễn Văn Hanh làm chủ vừa được hỗ trợ tham gia hội chợ, phiên chợ để trưng bày, quảng bá sản phẩm, vừa được hỗ trợ kinh phí khuyến công địa phương để ứng dụng máy gò gót, gò mũi giầy vào sản xuất giầy dép da. Anh Hanh chia sẻ: “Khi có nhiều đơn hàng từ hội chợ, một thách thức mới mà cơ sở phải đối mặt là đầu tư trang thiết bị để tăng năng suất. Nhờ được sự hỗ trợ và tư vấn kịp thời từ Trung tâm KC&XTTM Hà Nam, cơ sở đã lựa chọn và đầu tư máy móc hợp lý góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm được cải thiện, việc sử dụng nguyên, nhiên liệu cũng hiệu quả hơn”. Như vậy, sự kết hợp giữa các dự án khuyến công và các chương trình hội chợ, phiên chợ (thuộc cả nguồn xúc tiến thương mại) đã tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và là hoạt động được Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Hà Nam khuyến khích các cơ sở CNNT tham gia.

Tuy nhiên, hoạt động khuyến công ở Hà Nam còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Việc đầu tư, ứng dụng máy móc thiết bị của cơ sở CNNT kéo dài, làm cho thời gian nghiệm thu chậm. Đặc biệt, nguồn kinh phí được cấp hằng năm cho hoạt động khuyến công còn hạn chế, mức hỗ trợ thấp, nhất là với các dự án có mức đầu tư cao nên việc thu hút đối tượng thụ hưởng còn nhiều hạn chế.

Nói về nguyên nhân của những khó khăn trên, đại diện Trung tâm cho biết: Do các văn bản chính sách trong lĩnh vực khuyến công mặc dù đã được bổ sung, sửa đổi nhưng chưa theo kịp với nhu cầu thực tế. Công tác khảo sát nhu cầu cũng như tiếp cận các cơ sở CNNT còn hạn chế do đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công còn thiếu. Cùng với đó, thời gian từ lúc thu thập thông tin đến khi quyết toán các đề án kéo dài (từ tháng 6 năm trước đến năm sau), trong khi các loại máy móc, thiết bị doanh nghiệp thường xuyên cập nhật và thay đổi đã ảnh hưởng đến tiến độ và tính khả thi của đề án. Đa phần các cơ sở CNNT chủ yếu là hộ kinh doanh và doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên rất khó đổi mới, ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

Để khắc phục khó khăn trên, Trung tâm tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác khuyến công như: Muốn xây dựng đề án khuyến công có chất lượng, thực hiện khả thi, Trung tâm cần nỗ lực gắn kết với các bên liên quan, nắm bắt khó khăn và nhu cầu của từng cơ sở CNNT để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tham mưu cho Sở Công Thương tỉnh rà soát lại các cơ chế chính sách để bổ sung, điều chỉnh, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng của huyện, tỉnh… tăng cường đào tạo, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của các tổ chức quản lý nhà nước, người dân và doanh nghiệp… Kết hợp chặt chẽ giữa công tác khuyến công với xúc tiến thương mại, tích cực tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm ngoài tỉnh để tìm kiếm thị trường tiêu thụ, tạo sự phát triển cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Trung tâm chú trọng kiểm tra tiến độ triển khai từng đề án để có kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí cho phù hợp, thường xuyên đánh giá rút kinh nghiệm cho các chương trình sau được tốt hơn. Nhằm giúp các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, phía Trung tâm tích cực đề nghị Bộ Công Thương nâng mức hỗ trợ các nội dung của hoạt động khuyến công. Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, đối tượng thụ hưởng và ngành nghề được hỗ trợ vẫn là cơ sở CNNT sản xuất các sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh; cơ sở sản xuất hàng nông – lâm – thủy sản, công nghiệp hỗ trợ…và các ngành nghề chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trung tâm hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, thân thiện với môi trường, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nhằm mở rộng và giữ vững thị trường tiêu thụ.

Nguồn: hanam.gov.vn

Tin mới